Tuesday, January 11, 2011

NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI BIÊN HÒA -Tài Liệu Tổng Hợp

NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI BIÊN HÒA 
 Tài Liệu Tổng Hợp
(Nguồn: Giao Cảm)

Arlington của Hoa Kỳ là một nơi để toàn dân Hoa Kỳ qua các thế hệ hướng tới chiêm ngưỡng, biết ơn sự hy sinh của biết bao nhiêu Chiến Binh Hoa Kỳ đã Vị Quốc Vong Thân.
Trước năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa cũng đã tạo dựng một nơi như Arlington của Hoa Kỳ cho hàng vạn Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong cuộc chiến Bảo Vệ Tự Do, chống sự xâm lược của đế quốc cộng sản qua cộng sản Bắc Việt. Ðó là một Khu đất rộng nằm khoảng giữa xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa được gọi là Nghĩa Trang Quân Ðội.
Người lính ngồi lặng lẽ bên đường như một nhân chứng âm thầm của cuộc chiến. Trong tư thế nuối tiếc đồng đội, anh như còn muốn nhắc nhở khách đi đường về một thế giới thầm lặng khuất sau ngọn đồi.

Ðược hình thành vào năm 1965, Khu Nghĩa Trang này dự trù khoảng 30 ngàn ngôi mộ. Cũng trong dự trù sau đó, Nghĩa Trang Quân Ðội sẽ là Nghĩa Trang Quốc Gia nghĩa là không chỉ riêng cho Tướng Lãnh, Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan, Binh Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà còn dành nơi yên nghỉ cho các thành viên Chính Phủ Hành Pháp, Luật Pháp và Tư Pháp.

Toàn Khu Nghĩa Trang có hình con ong. Về chuyện Nghĩa Trang có hình con ong, thì có người kể lại rằng: ‘’Nguyên trong một buổi họp để Ban Xây Dựng thuyết trình dự án lên Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Thuyết trình viên là Trung Tá Dần có nói rằng: ‘’Thưa Tổng Thống, mô hình Nghĩa Trang là hình con ong. Sở dĩ lấy hình con ong là vì con ong không thờ hai chúa, con ong là chỉ có một cây kim, khi chích xong là chết, như người Chiến Sĩ chỉ có một lá cờ. Người Chiến Sĩ chiến đấu và chết dưới lá cờ đó’’. Nghe đến đây Tổng Thống đã vỗ tay xuống bàn nói: ‘’Ðúng! Ðúng!’’
và ông đã chọn mô hình này’’.

Theo mô hình đó thì Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, nằm trên Xa Lộ Sài Gòn-Biên Hòa cách Sài Gòn 22 km. Nghĩa Trang nằm bên trái Xa Lộ. Ngay lối vào là Tượng Ðài Tiếc Thương gồm bệ cao 3 thước trên đó đặt bức tượng bằng đồng đen cao 5 m. Người Lính ngồi tưởng niệm các Chiến Hữu của mình đã hy sinh. Một lối vào thẳng sẽ gặp một cổng Tam Quan dẫn lên Ðền Thờ Liệt Sĩ trên một ngọn đồi thấp này. Lối đi tới Cổng Tam Quan sẽ rẽ đôi thành hai con đường chạy vòng bao quanh Nghĩa Trang và cũng là lối dẫn thẳng vào sâu phần cuối Nghĩa Trang.

Nơi đây, trên đỉnh cao của ngọn đồi này là Nghĩa Dũng Ðài với ngọn tháp cao có hình lưỡi lê 3 khía trên một Vành Khăn Tang vĩ đại. Nghĩa Dũng Ðài gồm 3 phần.

Các Khu mộ được chia bao quanh Nghĩa Dũng Ðài thành hình bát giác. Tất cả các Chiến Sĩ khi hy sinh sẽ lần lượt được chôn cất tại đây không kể cấp bậc, nghĩa là không có nơi dành cho quân hay lính. Riêng đối với các cấp Tướng Lãnh mới có một Khu riêng gần Nghĩa Dũng Ðài.

Ðể thực hiện được công tác này, các Cơ Quan sau đây phải luân phiên thi hành:
- Bộ Công Chánh Việt Nam Cộng Hòa.
- Trường Kỹ Thuật Phú Thọ phối hợp với tổ chức cuộc thi thiết kế.
- Sở Kỹ Thuật, Cục Công Binh trách nhiệm kỹ thuật xây cất, được chia giao cho Liên Ðoàn 5 Công Binh Kỹ Thuật gồm có Ðại Ðội 541 của Tiểu Ðoàn 54 Công Binh Kỹ Thuật trực tiếp xây dựng thực hiện công tác.
- Ngày khởi công là tháng 11.1967.
- Ngày dự trù hoàn tất: 19.6.1975.
----------------

Báo cáo năm 1999 của nhóm thương phế binh biệt khu thủ đô cho tổ chức IRCC, Inc.

Khu Vực này rất bao quát, vì lý do tế nhị nên việc kiểm tra không thể hoàn hảo và chính xác. Sau đây là các điều ghi nhận được:

Phong Cảnh Tổng Quát: Từ Xa Lộ Biên Hòa đi Vũng Tàu, Nghĩa Trang chiếm một một khu đất rộng lớn phía tay trái, cách Sài Gòn 22 km. Có con đường đi vào gặp Cổng Nghĩa Trang rồi đến Ðền Liệt Sĩ trên một Khu đồi thấp. Con đường dẫn vào Ðền Liệt Sĩ đến chân đồi thì chia làm 3. Ðường chính giữa là bậc thềm lên Ðền và hai đường dưới đất bọc hai bên đều đi vào Nghĩa Trang. Con đường bọc qua phía trái hiện nay dân chúng làm nhiều lò gạch. Các con đường đều bị hư hại. Cây hai bên đường bị đốn hết nay mới được trồng lại (không biết ai phụ trách trồng các cây này). Phần lớn cỏ dại mọc um tùm.

Chúng tôi cũng ghi bổ túc thêm là ngay tại Cổng hiện vẫn còn một bệ ciment trước đây là bức tượng Thương Tiếc. Tượng này đã bị gẫy tay được đem đi cất trong kho phế liệu tại Dĩ An, bây giờ không rõ ở đâu hay đã bị nấu lấy đồng.
Tại nơi bệ ciment này bây giờ là nhà tư nhân vá vỏ xe.
Trở lại với con đường dẫn vào Nghĩa Trang sau khi đi bọc qua Ðền Tử Sĩ đến Khu Nghĩa Trang rộng lớn theo hình lưới nhện mà ở giữa là Nghĩa Dũng Ðài tức là Vành Khăn Tang. Chung quanh Nghĩa Dũng Ðài chia làm 8 Khu phân lô đúng như lưới nhện. Mỗi ô đều hình rẽ quạt, càng gần Ðài thì nhỏ và càng xa Ðài thì lớn. Các lô đánh dấu thứ tự như sau. Phía tay phải Ðền Tử Sĩ và Nghĩa Dũng Ðài có các lô:
H, A, I và B. Phía trái có các lô D, C, E và G. Chúng tôi không hiểu tại sao lại theo thứ tự như vậy, ngoài ra không có lô F.

Phía ngoài của lô H gần Ðài Liệt Sĩ có một hồ sen nay không còn gì cả. Nhà Quàn và Cơ Sở của Liên Ðội Chung Sự ở phía tay phải của lô I nay cũng không còn gì.
Lô H nằm phía tay phải con đường chính từ Ðài Liệt Sĩ vào Nghĩa Dũng Ðài là lô quan trọng.
Trước kia dự trù là chỗ sẽ chôn cất các thành phần Quân Dân Chính cao cấp, có công trạng đặc biệt với đất nước như Nghĩa Trang Arlington tại Hoa Kỳ, như các Vị Tổng Thống, Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa v.v...
Tuy nhiên vì thời thế nên không có Tổng Thống, Phó Tổng Thống hay Thủ Tướng nào nằm ở đây cả.
Ðặc biệt cũng tại Khu này trước đây đã an táng các Vị Tướng Lãnh như Ðại Tướng Ðỗ Cao Trí nhưng sau này thân nhân đã cải táng về quê.

Bao Nhiêu Ngôi Mộ: Chúng tôi đã có lưu ý kiểm tra số mộ phần nhưng không tìm được con số chính xác vì cây cỏ um tùm và vì các lý do đặc biệt khác. Chỉ biết rằng phần mộ của các lô vòng trong cùng sát Nghĩa Dũng Ðài có Vành Khăn Tang thì ít chỗ hơn vòng ngoài, thường được chôn trước trừ các chỗ dành riêng chưa sử dụng.
Từ vòng số 1 có A1, B1, C1, D1, E1 và G1 có chừng 300 chỗ cho đến vòng ngoài cùng số 5 có chỗ chôn được 1.000 Tử Sĩ.
Như vậy mỗi lô có thể chôn được 3.200 Tử Sĩ và cộng chung là 25.600 phần mộ. Số đã được chôn có thể lên đến 8.000 phần mộ.
Tuy nhiên tại quê nhà chúng tôi không có được con số chính xác. Có thể các anh em đã qua Mỹ truy tìm trong tài liệu hay trong ký ức có thể có các con số đúng hơn. Trong số 8.000 phần mộ do chúng tôi ước lượng thì có một số đã được thân nhân tự lo cải táng và đem về quê.
Một số khác còn để lại nhưng có thân nhân đến chăm sóc tu bổ hàng năm.
-----------------------

NGHĨA DŨNG ÐÀI 
- Tú Cao-

Lời Nói Đầu: Bài phóng sự này viết đầu năm 1975, chuẩn bị cho việc khánh thành Nghĩa Dũng Ðài trên Nghĩa Trang Biên Hòa. Tuy nhiên vì tháng 4.1975, miền Nam thất thủ, Nghĩa Dũng Ðài dang dở vẫn còn đó, bài báo mới vượt biên qua Mỹ tháng 10 năm 2002. Trung Tá Tâm và Ðại Úy Núi hiện ở San Jose. Chúng tôi xin đăng lại bài này trích trong toàn bộ tác phẩm tựa đề ‘’Nghĩa Trang Biên Hòa và 16.000 người ở lại’’. Quý Vị muốn có toàn bộ tác phẩm này xin liên lạc về:
IRCC, Inc. 420 Park Ave., San Jose CA. Fax: (408) 971-7882.Email: iree@ireesj.com

***

Chỉ lên họa đồ tổng quát vùng Nghĩa Trang Quốc Gia ở Biên Hòa. Ðại Úy G. nói với tôi ‘’Ðây là địa điểm xây cất Nghĩa Dũng Ðài, nằm trên lưng con ong, tượng trưng cho sự cần cù, kiên nhẫn là cũng đầy ý chí ‘chống xâm lăng’một khi bị tấn công’’.
Những Chiến Sĩ đang yên nghỉ trong những ngôi mộ trắng toát của Nghĩa Trang, theo tôi nghĩ, cũng có thể biểu hiện được những đức tính đó của dân tộc ta.
Ðúng thế, họ gồm đủ mọi thành phần, mọi lớp tuổi tôn giáo, trình độ và nghề nghiệp, đã đáp lời kêu gọi của Tổ Quốc và giờ đây, giã từ vườn ruộng, mái trường, nhà máy, thân bằng quyến thuộc, để vĩnh viễn là mối tiếc thương của 20 triệu dân miền Nam. Những người còn sống, dù đã bận rộn với công cuộc chiến đấu lâu dài và gian khổ cũng cảm thấy cần phải làm một cái gì để ghi ơn và nhắc nhở cho thế hệ mai sau, lòng dũng cảm, của những người đã nằm xuống.

‘’Một cái gì đó’’ hiện giờ đang thành hình và hương hồn anh linh của các Tử Sĩ đang ngày đêm theo dõi công trình xây cất Nghĩa Dũng Ðài của các Chiến Sĩ Tiểu Ðoàn 54 Công Binh Kiến Tạo.

Từ trên máy bay nhìn xuống, Nghĩa Trang Quốc Gia Biên Hòa mang hình một con ong khổng lồ quay mặt ra xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa với bức tượng ‘’Thương Tiếc’’ một thời đã tạo nên những câu chuyện thiêng liêng truyền khẩu đến ngậm ngùi.

Ðầu con ong là Ðền Thờ Chiến Sĩ, nơi mà hàng năm Vị Nguyên Thủ Quốc Gia tới chủ tọa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong, vào dịp Quốc Khánh hay kỷ niệm ngày Quân Lực. Lưng con ong là những đường vòng cung với những dãy mộ mang danh hiệu A1, A2...B1, B2...
Toàn bộ Nghĩa Trang Quốc Gia có một diện tích 125 mẫu tây, có thể chôn cất 30.000 phần mộ, một Nghĩa Trang có tầm vóc lớn nhất có thể trở thành một ‘’Arlington’’ Việt Nam. Hiện nay đã có khoảng trên 16.000 phần mộ của các Chiến Sĩ đủ các Quân Binh Chủng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Tuy nhiên mới chỉ có khoảng gần 8.000 ngôi mộ từ cấp Binh Nhì đến cấp Tướng đã xây cất xong và số còn lại sẽ được hoàn tất với kinh phí 140 triệu đồng.
Chính giữa cái lưng ong đồ sộ này, đang vương lên hình dáng cao lớn của Nghĩa Dũng Ðài. Tuy mới đổ bê tông cao được một nửa nhưng đứng trên điểm cao nhất, người ta sẽ nhìn thấy Cầu Sài Gòn về hướng Thủ Ðô và Câu Mới của Thành Phố Biên Hòa ở hướng Bắc.
Ngược dòng thời gian vào trong tuần tháng 11.1967. Công Binh được Bộ Tổng Tham Mưu Tổng Cục Tiếp Vận ủy nhiệm thiết lập đồ án Nghĩa Dũng Ðài tại Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Nhận thấy tầm vóc to lớn của công cuộc kiến trúc và để toàn dân có thể tham gia trực tiếp vào công trình tri ân các Chiến Sĩ, đề nghị tổ chức cuộc thi tuyển đồ án kiến trúc Nghĩa Dũng Ðài được chấp thuận và với sự hợp tác của Trường Ðại Học Kiến Trúc thuộc Viện Ðại Học Sài Gòn, cuộc thi tuyển có 54 đồ án tham dự.

Ngày 10 tháng 6.1971. Hội Ðồng chấm tuyển gồm các đại diện: Trường Ðại Học Kiến Trúc, Bộ Tổng Tham Mưu Tổng Cục Tiếp Vận, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Cục Quân Nhu và Cục Công Binh và kết quả ghi nhận được không có giải nhất, chỉ có giải nhì, giải ba và 6 giải an ủi.

Từ tháng 9.1971 đến tháng 5.1972. Cục Công Binh chính thức thiết lập toàn bộ hồ sơ kỹ thuật của đồ án xây cất Nghĩa Dũng Ðài với các Sĩ Quan chuyên viên thuộc Cục, Kỹ Sư Công Chánh, Kiến Trúc Sư, Kỹ Sư Ðiện v.v...

Ngày 15.10.1972, Tiểu Ðoàn 54 Công Binh Kiến Tạo bắt đầu thực hiện đồ án.

Hàng chục ngàn thước khối đất được đào lên, người Lính Công Binh đang khởi sự xây cất một công trình lưu danh vạn thuở, nói lên sự hy sinh cao cả của các Chiến Sĩ Quân Dân Chính.
Nêu cao tinh thần bất khuất cổ truyền của dân tộc Việt Nam và cũng là một tác phẩm nghệ thuật biểu dương sắc thái hùng vĩ, trang nghiêm. Về phương diện mỹ quan quả là một sự hòa hợp khéo léo giữa thiên nhiên và nhân tạo trong khung cảnh bi hùng của Nghĩa Trang Quốc Gia.

Người Xưa Cảnh Mới

Xe jeep của Tiểu Ðoàn 54 Công Binh Kiến Tạo đến đón chúng tôi lúc 8 giờ sáng. Chúng tôi gồm anh Thanh Hiệp ký giả, anh Phát An nhiếp ảnh viên và tôi Tú Cao. Ðó là nhóm phóng sự của Tòa Soạn Ðặc San Công Binh.

Cái ban ‘’tam ca’’ này thường là ‘’bạn tri âm’’ của hầu hết các Ðơn Vị Công Binh và chúng tôi đã gặp một số anh em cũ ở Ðại Ðội 541 Công Binh Kiến Tạo. Ðơn Vị phụ trách xây cất Nghĩa Dũng Ðài. Vị chỉ huy công trường Ðại Úy Núi đón chúng tôi khi tới Nghĩa Trang Quốc Gia. Con người vừa tốt nghiệp Khóa Sĩ Quan Cao Cấp này, trông không có vẻ gì lạnh lùng, lầm lỳ như ‘’núi’’ cả. Trái lại cả một bầu nhiệt huyết trong công tác và mối nhiệt tình trong lối xã giao. Sau cái bắt tay thân mật, anh đưa chúng tôi vào ‘’Cafe 541’’.
Ðó là một quán nước dựng sơ sài trong phạm vi công trường, vách tranh, mái tôn, bàn ghế là những tấm ván dài đã ngã màu trong gió bụi. Câu chuyện khởi đầu qua những mẫu vụn vặt về thời sự và nhân sự quen thuộc, ly cà phê đá lạnh, điểm một vài tiếng cười cởi mở. Các Sĩ Quan Trung Ðội Trưởng thấy chúng tôi tới cũng lần lượt tới bắt tay thăm hỏi Trung Úy Quyền Thiếu Úy Ðồng đều là những khuôn mặt mới. Riêng ông Ðại Ðội Phó với lối ‘’súc miệng buổi sáng’’ bằng loại nước dựng trong chai nâu lùn sùi bọt của hãng BGI, làm chúng tôi liên tưởng tới một Vị Tiểu Ðoàn Trưởng Công Binh, cũng có nét đặc thù này.

Ðang nói chuyện với chúng tôi. Ðại Úy Núi vội xin lỗi và chạy tới một chiếc xe jeep dân sự vừa trờ tới. Tôi nhìn theo, thì ra Trung Tá Tâm Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 54 Công Binh Kiến Tạo. Chúng tôi đứng dậy bắt tay. Câu nói đầu tiên của Trung Tá là: ‘’Xin lỗi tôi chậm, kẹt một vài việc chẳng đặng đừng. Nhẽ ra Trung Tá Liên Ðoàn Trưởng cũng đến đây, nhưng Trung Tá xin cáo lỗi vì có Phái Ðoàn Thanh Tra’’.

Cái răng khểnh duyên dáng, miệng luôn nở nụ cười hiền từ và cái trán cao biểu hiệu sự nhân hậu và thông minh, đó là vái nét đặc biệt của con chim đầu đàn thuộc tổ ấm 54. Những Chiến Hữu từng làm việc với Trung Tá Tâm đều công nhận ông là một nhân vật của mọi người. Từ Vị Sĩ Quan cho đến anh Binh Nhì thuộc quyền đều mến phục và không quên những sự săn sóc riêng tư cũng như lối chỉ huy khoa học. Ðối với bạn bè ông luôn bày tỏ một thái độ thân hữu, đôi khi thật cảm động.
Ngồi vào bàn, Trung Tá Tâm rút bao thuốc nội hóa mời chúng tôi. Quả là một sự thay đổi lớn lao. Hồi ở Trường và ra Ðơn Vị, rồi sang Mỹ, luôn luôn ông cảm ơn khi được mời thuốc, nhưng không bao giờ hút và giờ đây, tôi bỏ thuốc vì tiết kiệm thì lại được mời hút.

Sau khi cạn ly cà phê, chúng tôi được hướng dẫn vào phòng thuyết trình.
Ðứng bên 24 họa đồ đủ loại. Ðại Úy Núi trình bày tỉ mỉ cho chúng tôi biết từ một khung cảnh tổng quát cho đến những chi tiết nhỏ nhặt về bẻ sắt, nối sắt, khoảng cách bắt buộc...
Ông Tâm cũng đi sâu vào một số chi tiết để vấn đề được sáng tỏ.

Đây Nghĩa Dũng Đài

Theo lời Quý Vị Sĩ Quan trách nhiệm xây cất Nghĩa Dũng Ðài thì công trình kiến trúc này hình thành bằng 3 phần căn bản sau đây: Nền Ðài, Trụ Ðài và Vành Khăn Tang.

Nền Ðài: Nền Ðài được thực hiện bằng một nền phẳng hình tròn với đường bán kính là 29 thước cao 1,5 mét đối với trục đường chính băng qua công viên xây cất Nghĩa Dũng Ðài. Ðại Úy Núi cho biết dù với cao độ nhỏ nhoi này. Ðại Ðội cũng phải cắt cử 6 xe benne làm việc liên tục trong một tháng rưỡi để chuyên chở 10.000 thước khối đất và khi hoàn tất xong phần kiến trúc hướng vào tâm công viên và được rào bằng hệ thống trụ gang với quả cầu bằng đồng trên trụ và liên kết bằng dây xích sắt xen kẻ giữa các tấm đan là những đường nhỏ trồng cỏ.
Trong tương lai, khi du khách tới thăm Nghĩa Dũng Ðài sẽ lên sân bằng 4 bực tam cấp ở bốn góc đối diện nhau và các bực này cũng được tô đá mài.

Trụ Ðài: Trụ Ðài cao 43 mét kể từ mặt đất thiên nhiên một chiều cao hiện vượt hẳn các công trình kiến trúc hiện có tại Việt Nam. Trụ nằm trên một đế hình nón, được kết hợp bởi 4 cánh thành một hình chữ thập. Các cánh càng lên cao càng nhỏ dần, nghĩa là chiều rộng tại chân là 6,5 mét và chiều rộng tại đỉnh là 3,5 mét.
Ðể tạo sự cân xứng cho toàn khối chiền cao trụ đài được ấn định là 41, 50 mét kể từ mặt Sân Ðài, tức là cao hơn mặt trên của Vành Khăn là 34 mét.
Trụ Ðài khi thực hiện sẽ để nguyên mặt bê tông tự nhiên với các hình dáng lồi lõm thẳng đứng chồng chất lên nhau.
Khi được hỏi về ảnh hưởng của gió, Trung Tá Tâm cho biết là Ðài này đủ sức chịu gió thổi với vận tốc 120 km giờ. Với sức chịu đựng này, Ðài sẽ tồn tại lâu dài với khí hậu và sự thay đổi thời tiết của miền Nam.
Anh tiếp: Sau này về ban đêm Ðài sẽ được chiếu sáng bằng một hệ thống đèn pha từ dưới dọi lên và như vậy từ xa, đêm càng tối Ðài càng dễ nhận thấy. Ðó là chưa kể ngọn đèn đỏ trên đỉnh Ðài được thắp sáng suốt ngày đêm để máy bay biết mà tránh và để giữ mỹ quan cho công trình, tất cả những đường dây điện đều được chôn ngầm.
Thắc mắc về Trụ Ðài quá cao, lại nằm trên một ngọn đồi, thế Ðơn Vị có nghĩ tới sự bảo vệ nó khỏi sự nguy hiểm của sét. Ðại Úy M. đáp ngay: Có, chúng tôi phải thiết lập 2 cột thu lôi. Ở Vùng Nhiệt Ðới này mưa hay có nhiều sấm sét, nên khi thiết lập đồ án, Vị Sĩ Quan chuyên viên đã nghĩ tới điều này.

Chúng tôi hỏi thêm là Trụ Ðài có thiết trí thang máy hay không thì Trung Tá Tâm cho biết chỉ có thang leo. Thang này bằng sắt, nằm trong lòng trụ. Thang có khung an toàn phía sau và cứ mỗi đoạn 6 mét lại có một chỗ nghỉ chân để người leo đỡ mệt. Nhà báo hỏi đùa là có cho du khách leo tuốt lên cao không thì Ðại Úy Núi cười đáp là không được rõ vì Công Binh chỉ biết xây cất mà thôi.

Phần Vành Khăn Tang: Với bề cao 5 mét dày 1, 2 mét và trải tròn theo một đường kính 34 mét, Vành Khăn bê tông cốt sắt này được đặt nằm trên 4 trụ vuông mỗi cạnh 3 mét cao 2,5 mét. Móng mỗi trụ đều được tăng cường bằng 8 cây cừ dài10 mét vuông 25 phân.

Mặt ngoài Vành Khăn sẽ là một công trình điêu khắc bằng đồng diễn tả các Chiến Sĩ Việt Nam qua các Triều Ðại từ Thời Lập Quốc cho đến ngày nay. Mặt trong Vành Khăn dành để ghi các chiến tích của dân tộc cùng các danh ngôn của các Vị Anh Hùng Liệt Sĩ của Việt Nam.

Ðại Úy Núi kết luận: Công Binh chỉ phụ trách phần kiến trúc còn phần điêu khắc thì đã có cuộc thi tuyển tác phẩm điêu khắc và người trúng giải là Ðiêu Khắc Sư Lê Văn Mậu và con là Lê Minh Hiệp với tác phẩm dự thi dấu hiệu Huỳnh Long.

Đây Công Trình Lịch Sử

Bước qua bàn bên cạnh, những hồ sơ ngăn nắp, phân loại từng công tác một đang nằm gọn ghẽ dưới mắt chúng tôi. Dừng lại và dở từng hồ sơ một. Trung Tá Tâm nói: ‘’Phân loại như thế này để dễ dàng trao nhiệm vụ cho từng toán một. Toán nào phụ trách Trụ Ðài thì phải nghiên cứu và áp dụng một chỉ tiêu kỹ thuật ghi tronghồ sơ về Trụ Ðài. Các toán kia cũng thế’’.

Rồi anh chỉ lên bảng phân công: ‘’Ðấy, các anh thấy là thoạt đầu, thời gian và phân toán trách nhiệm đã được ấn định như bảng CPM này. Có một số trở ngại bất khả kháng nên tuy các toán không thay đổi, mà thời gian không thể đạt được như dự trù. Tỷ dụ như khởi công từ 15.10.1972 và dự trù hoàn tất ngày 15.19.1974. Nhưng hôm nay công trường hân hạnh tiếp đón các anh, mà Trụ Ðài mới xong được một nửa và Vành Khăn Tang cùng Sân Ðài cũng chưa hoàn tất’’.
Có tiếng anh ‘’phó nhòm’’ mời tất cả ra chụp chung 1 tấm làm kỷ niệm. Mô hình Nghĩa Dũng Ðài được dùng để làm phối cảnh cho tấm hình lưu niệm này. Nhìn mô hình, người ta có thể hình dung được khung cảnh hùng vĩ và nhịp nhàng của một công trình kiến trúc đồ sộ và đầy nghệ thuật. Nếu thực tế, được chiêm ngưỡng thêm những tác phẩm điêu khắc bằng đồng gắn trên Vành Khăn Tang thì du khách mới
thực sự cảm thấy mình nhỏ bé trước lịch sử.
Trung Tá Tâm cho chúng tôi biết là riêng mô hình này cũng đã trị giá 200.000 đồng rồi. Vừa lúc đó thì Ðại Úy Núi cho biết là có Phái Ðoàn Thanh Tra của Cục đang chờ Trung Tá ở Hóc Môn.
Chúng tôi bắt tay Trung Tá Tâm và anh không quên nói với Ðại Úy Núi: ‘’Rất tiếc là không ở lại với các anh trưa nay được. Thôi anh Núi thay tôi tiếp anh em hộ nghe’’.

Chúng tôi thực sự đi vào công trường. Trên một đồi đất đỏ đắp cao đầy dấu vết những đường nước sói Trụ Ðài đang ngạo nghễ vương cao trên đỉnh, những anh Lính Công Binh trở nên nhỏ bé và khó nhận thấy giữa những tấm ‘’pan-nô’’ to lớn và hàng đà gỗ. Một chiếc xe cần trục gần bên đang gầm gừ cố gắng nhấc cao chiếc cần dài tối đa, nặng nề và cồng kềnh. Ðại Úy Núi giải thích: ‘’Những anh em trèo lên cao đều bắt buộc phải đeo thắt lưng an toàn để tránh những tai nạn rủi ro’’.

Tôi hỏi ngay: ‘’Thế, từ lúc khởi đầu tới giờ đã xảy ra bao nhiêu tai nạn rồi?’’ thì Ðại Úy Núi cười đáp: ‘’May mắn là chưa hề có một tai nạn nào.’’ và Vị Sĩ Quan Chỉ Huy Trưởng này tiếp: ‘’Có một điều lạ là mỗi lần ráp xong panneaux và chuẩn bị đổ bê tông, thì bắt buộc chúng tôi phải có dự cái lễ cúng vong hồn anh em Chiến Sĩ ở đây. Nếu không cúng thì không tài nào đổ nổi. Vì hồ tự nhiên vữa ra và phải bỏ dù chúng tôi đã lường nước, đá xi măng đúng phân lượng. Phải nhận là có một thế giới huyền bí mà mình chưa hiểu nổi. Ðược cái ‘’anh em’’ ở đây chỉ đòi ‘’hưởng lộc’’ sơ sơ thôi, chứ không phá phách gì chúng tôi cả. Dù sao cũng còn tình chiến hữu chứ, dù "âm dương đôi ngã!".

Anh chỉ cái giàn trò bằng ống sắt và nói: ‘’Trước kia, chúng tôi phải đóng échafaudage bằng gỗ nên càng lên cao, anh em càng thấy run, vì gió lộng quá. Cái giàn trò cứ rung động dưới chân khiến anh em không an tâm. Bây giờ được cái giàn trò bằng ống, do Hãng Paul Mehner ở Tây Ðức cung cấp, nên vừa chắc chắn, vừa dễ ráp, công tác có phần tiến triển hơn’’.

Và anh quay lại hỏi chúng tôi: ‘’Quý Vị có biết giá một giàn trò giá bao nhiêu không?’’ Không đợi trả lời anh tiếp ngay: ‘’suýt soát 19 triệu đấy’’. Chúng tôi le lưỡi Trung Úy Hỏa tiếp: ‘’Nhưng cũng đáng đồng tiền bát gạo. Với những accords kỳ diệu của nó, ta có thể ráp theo kiểu nào cũng được, là cao bao nhiêu tùy ý, miễn còn raccord và thêm ống sắt’’.

Chúng tôi được phát mỗi người cái nón nhựa vàng để tránh những rủi ro, khi đi thăm những anh em làm việc. Các anh Lính Công Binh ở tít trên cao cũng đội nón như chúng tôi và thân người được treo vào những khung sắt bằng những sợi nịt an toàn. Với microphone cầm tay. Ðại Úy ra lệnh cho họ từ dưới đất.
Tôi hỏi Ðại Úy Núi họ đang làm gì ở trên? Anh cho biết họ đã cột xong sắt đoạn thứ tám và hôm nay họ đang ráp panneaux để ngày mai chuẩn bị đổ beton.
Cũng xin nhắc lại ở đây là ván đóng coffrage không phải là kéo từng miếng một lên ráp lại, mà đã được đo cắt ráp theo một mẫu mực nhất định ở xưởng mộc, thành những tấm panneaux rộng lớn, nặng nề, rồi được đưa lên ráp theo họa đồ.
Lúc chúng tôi tới Chân Trụ thì một khoảng bán Tiểu Ðội Công Binh, đội nón an toàn, đang hè nhau kéo một panneux lên cao bằng hệ thống ròng rọc. Chiếc panneax cứng đầu, quay mình trong gió khiến anh em phải lựa lúc thuận tiện mới kéo lên, để tránh gây thiệt hại đến giàn trò đắt giá. Tôi chỉ cái can trục đang vương cao song song với Trụ Ðài toan hỏi thì Ðại Úy Núi đã nhanh nhẹn nói: ‘’Cái cần trục này dùng để đưa hồ lên cho anh em đổ. Phải cầu cứu đến nó mới đổ nhanh được. Mỗi lần nó đưa lên khoảng 300 kg beton. Ðưa lên nhiều sẽ quá nặng và anh em ở trên khó xoay xở. Thế mà muốn hoàn tất một đoạn 3, 142 mét chúng tôi phải mất 2, 5 ngày’’.
Tôi nêu thắc mắc là nếu cần trục hư hoặc Trụ đã vượt quá tầm cao tối đa của cần thì sao? Vị Sĩ Quan Chỉ Huy công trường trầm ngâm nói: ‘’bất đắc dĩ cũng phải cho kéo bằng tay. Dĩ nhiên sức người đâu bằng sức máy, nên thời gian đổ beton sẽ phải tăng thêm lên’’.
Tôi giơ tay chào tất cả và đi về phía sau Trụ Ðài. Ðại Úy Núi chỉ cho tôi thấy cái cửa sau của Trụ Ðài. Cửa này rộng 0,60 mét cao 1 mét để đi vào ruột trụ và dùng thang leo lên đỉnh đài. Tôi đứng lại ngắm và nói: Chắc phải có cửa và hệ thống khóa đặc biệt?
- Dạ có, cửa sẽ làm bằng sắt dây và có khóa.
Ngay sau lưng chúng tôi, ván bọc (coffrage) vòng cung cho đoạn vành đang lo đặt, nối và buộc sắt. Ðại Úy Núi quay lại giới thiệu: ‘’Ðây là toán anh em bên Ðại Ðội 543 Công Binh Kiến Tạo mới sang tăng cường cho chúng tôi’’. Tôi leo lên và bắt tay Vị Sĩ Quan Trung Ðội Trưởng. Anh ta hướng dẫn tôi lại chỗ buộc sắt. Sắt chi chít và toàn cỡ sắt và kỹ thuật nối sắt, anh Sĩ Quan Trung Ðội Trưởng trình bày: ‘’Dạ, tất cả làm đúng theo hồ sơ kỹ thuật. Tuy nhiên chúng tôi đã thực tế hóa những quy luật kỹ thuật để anh em dễ làm việc. Tỷ dụ khoảng cách giữa hai thanh sắt là 3 phân, chúng tôi đã có một số gỗ nhỏ dầy 3 phân để anh em cứ đặt vào giữa 2 thanh sắt. Hoặc chỗ nối đầu 2 sắt 25 ly là 30 dm chẳng hạn, thì không thể để anh em mất thì giờ tính toán, mà chúng tôi đã cho cắt những thanh gỗ có chiều dài là 30 dm để anh em cứ thế mà đo và nối cho nhanh. Anh dự trù bao giờ hoàn tất chưa? Nguyên tắc thì bây giờ được chia ra làm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1 thì Trụ Ðài và Vành Khăn hoàn tất trong ngày 19.6.1975
Phần còn lại là Sân Ðài và trang trí Vành Khăn, nằm trong giai đoạn hai và dự trù hoàn tất trước ngày 1.11.1975.
Nhưng thực sự mà nói thì khó mà hoàn tất đúng hạn, vì có nhiều trở ngại về kỹ thuật cũng như thời tiết. Tuy nhiên ‘’cố gắng hết mình’’ là khẩu hiệu làm việc duy nhất của chúng tôi hiện nay ở đây.
Rời Vành Khăn chúng tôi được hướng dẫn đến xưởng mộc, nơi sản xuất những panneaux và cung cấp chuyên viên làm coffrage cho Trụ Ðài và Vành Khăn.
Mọi người đều làm việc như một cái máy. Những tấm ván ghép so le và lồi lõm khác nhau nhưng theo đúng khích thước ấn định kết thành những tấm panneaux nặng nề và đầy tác dụng, vì như trên đã nói, khi beton khô, gỡ panneaux ra, người ta sẽ để nguyên hình mặt beton tự nhiên đó với hình dáng lồi lõm thẳng đứng của panneaux.

Trước khi đi dùng cơm trưa, rồi lên thăm Ðiêu Khắc Sư Lê Văn Mậu ở Biên Hòa, tôi hỏi Ðại Úy Chỉ Huy Trưởng công trường và anh em Sĩ Quan về cảm tưởng của họ cũng như những nguyện vọng khi được cử để xây cất Nghĩa Dũng Ðài.
Ðại Úy Núi nhìn những lớp mộ trắng toát trùng điệp xung quanh và nói: "Tất cả chúng ta rồi cũng có ngày yên phận dưới nấm mồ này. Lúc đó mọi người đều bình đẳng và không còn bị quyền lợi chi phối nữa.
Nhưng trước khi bình đẳng tôi tất cả, chúng tôi vẫn hoài vọng phải đạt được một cái gì vĩnh cửu tồn tại với thời gian và không gian. Nghĩa Dũng Ðài, không phải là sản phẩm tinh thần của chúng tôi, nhưng chúng tôi đã góp công lao để nó hiện diện và nóng lòng dồn mọi nỗ lực cho mau hoàn tất’’.

Tác Phẩm Để Đời

Chúng tôi toan đi về hướng Biên Hòa thì xe của Ðại Úy K. đã chận đầu hỏi:
‘’Nhà báo định đi thăm Cụ Mậu à? Tôi cười gật đầu. Ðại Úy K. khoa bàn tay: ‘’Không có ở Biên Hòa đâu, bây giờ Cụ ấy đang ở Cục đó. Thôi về luôn với chúng tôi may ra gặp’’.
Thế là tôi đành đổi hướng. Nhưng cũng còn may mắn là gặp Cụ ở Sở HCTC.
Sau khi biết dự định của nhà báo, Cụ Mậu tỏ ra hoan hỉ và hẹn sẽ mời nhà báo lên Biên Hòa một ngày không xa. Nhưng có lẽ Cụ còn bận đảm nhận chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban chấm giải về Ðiêu Khắc một bộ môn trong giải Văn Học Nghệ Thuật của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, nên có lẽ cuộc hẹn này chỉ thuận tiện sau thời gian công việc của Cụ hoàn tất. Mà thời gian này lại ‘’kẹt’’ cho nhà báo vì bài phải nộp Tòa Soạn trước ngày 5.1.1975. Vì thế, trong khi chờ đợi được gặp Ðiêu Khắc Sư trúng giải nhất về tác phẩm điêu khắc Vành Khăn Tang, chúng tôi tới tìm ‘’tài liệu’’ nơi Ðại Úy K. người có liên hệ mật thiết với Cụ Mậu.
Ðại Úy K. cho biết Cụ Mậu xuất thân Trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Ðông Dương ở Hà Nội (École Superieure des Beauxats). Cụ sáng lập và nguyên là Hiệu Trưởng Trường Mỹ Nghệ Biên Hòa và nay là Giáo Sư Trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Gia Ðịnh. Sau khi đoạt giải nhất tác phẩm dự thi, với giải thưởng 300.000 vào đầu tháng 10.1973 sẽ có hai giai đoạn để tác phẩm thành hình.

Giai Đoạn 1

Cụ Mậu phải thành lập hồ sơ kỹ thuật thời gian là 20 tháng kể từ ngày tống đạt khế ước, tức là ngày 26.11.1974.
Hồ sơ kỹ thuật gồm có:
1.- Thực Hiện Họa Cảo: Thực hiện trên giấy Calque và giấy Canson, bố cục tổng quát, khối lượng, đường nét theo luật quốc tế, các nhân vật, chiến mã, chiến xa, chiến thuyền, phi cơ, binh phục, binh khí cùng hậu cảnh, hòa hợp các hình thế được linh động và phát huy ý tưởng. Thời gian thực hiện 6 tháng.
2.- Thực Hiện Mô Hình Bằng Thạch Cao: Ðiêu khắc các tầng lớp hình thể, dựa theo người mẫu, vật mẫu, để thực hiện rõ ràng đường nét, khối tượng, sức nối, quang năng, chân lý và vẻ đẹp nghệ thuật. Thời gian thực hiện 8 tháng.
3.- Thực Hiện Mảng Ðiêu Khắc Bằng Ðồng Mẫu: Bằng các vật liệu cần thiết và cũng dựa theo mẫu mô hình bằng thạch cao, các hình, vật và những nét để phù hợp chân lý và cái đẹp nghệ thuật. Thời gian thực hiện 6 tháng.
Trị giá của hồ sơ này là 6 triệu 200 ngàn. Tất cả sẽ được một Hội Ðồng thâu nhận (thành phần như Hội Ðồng chấm thi) và hồ sơ này, sau khi đã được chuẩn nhận, sẽ giao cho Quân Nhu trưng bày tại Nghĩa Trang Quốc Gia Biên Hòa. Lúc đó Ðiều Khắc Sư Lê Văn Mậu bắt tay vào giai đoạn 2, giai đoạn thực hiện tác phẩm.

Giai Đoạn 2

Cụ Mậu năm 1973, đã đề nghị một ngân khoảng là 60 triệu và một thời gian là 5 năm để thực hiện tác phẩm điêu khắc. Nhưng, vẫn theo lời Ðại Úy K. thì ngân khoản có lẽ phải tăng lên 100 triệu vì thời giá đã khác trước và thời gian thực hiện sẽ kéo dài trong 6 năm và sẽ bắt đầu từ năm 1976.
Riêng về số đồng dự trù là 120 tấn, sẽ do Quân Ðội cung cấp. Ðồng sẽ do Quân Nhu lấy ở số vỏ đạn đại bác đã bắn rồi, giao cho Lục Quân Công Xưởng đúc thành từng khối và cung cấp dần theo nhu cầu của Ðiêu Khắc Sư. Công Binh chỉ phụ trách mang xe remourque đến chuyên chở tác phẩm, ráp lên Vành Khăn Tang rồi hàn lại. Cụ Mậu sẽ phụ trách retouche đánh bóng và sơn. Sẽ dùng cùng một mầu sơn để tránh ảnh hưởng thời gian và thời tiết có thể làm cho mầu sắc thay đổi.
Khi được hỏi về những hình ảnh sẽ được nêu trong tác phẩm điêu khắc tương lai, thì Ðại Úy K. đã tỉ mỉ mô tả và giải thích điêu khắc phẩm mệnh danh là ‘’Dòng Lịch Sử Việt Nam Huy Hoàng’’ đã từng được Cụ Mậu trình bày và Ðại Úy K. đã được hân hạnh dự thính.

Công trình nghệ thuật lịch sử Việt Nam tại Nghĩa Dũng Ðài của Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa , sẽ là hình ảnh sống động đầy dân tộc tính, sẽ nói lên cho dư luận Quốc Nội và Quốc Tế biết rõ được ‘’Dòng Lịch Sử Việt Nam Huy Hoàng’’ biến chuyển không ngừng với những chiến tích hào hùng rạng danh trong lịch sử chiến tranh thế giới, cùng với lòng anh dũng, bất khuất của dân tộc Việt Nam cùng sự phát triển trên mọi lãnh vực quân sự, kinh tế chính trị, văn hóa xã hội của toàn thể Quân Dân Cán Bộ, xây dựng một Quốc Gia Việt Nam độc lập hùng cường và thịnh vượng.

Qua những sự thâm cứu Lịch Sử Việt Nam Ðiêu Khắc Sư Lê Văn Mậu chú trọng đến những giai đoạn lịch sử quan trọng nhất và đề cập trong tác phẩm điêu khắc ’Dòng Lịch Sử Việt Nam Huy Hoàng’’ như sau:
1.- Sinh hoạt Thời Hùng Vương.
2.- Trưng Vương đại thắng Nhà Ðông Hán (40-43).
3.- Lý Tường Kiệt đại thắng Chiêm Thành (1069) tại Phật Thệ Bình Ðịnh.
4.- Lý Tường Kiệt đại thắng Nhà Tống (1076) tại Ung Châu (Quảng Ðông).
5.- Trần Hưng Ðạo đại thắng quân Mộng Cổ (1287) tại Bạch Ðằng Giang.
6.- Lê Lợi đại thắng Nhà Minh (18.9.1427) tại Chi Lăng.
7.- Vua Lê Thánh Tôn đại thắng Chiêm Thành (1471) tại Ðồ Bàn (Bình Ðịnh).
8.- Vua Lê Thánh Tôn đại thắng Lão Qua (Ai Lao) (1479).
9.- Vua Lê Thánh Tôn đại thắng Bồn Man (1479).
10.- Chúa Nguyễn Phước Chu chiếm nốt Chiêm Thành (1697).
11.- Chúa Nguyễn Phước Khoát đại thắng Chân Lạp (1755) tại Nam Vang.
12.- Chúa Nguyễn Phước Thuần đại thắng Xiêm La (1772) tại Nam Vang.
13.- Vua Quang Trung đại thắng Nhà Thanh (1789) tại Ngọc Hồi.
14.- Nguyễn Trung Trực đại thắng quân Pháp (10.12.1861) tại Nhật Tảo.
15.- Hùng Khí của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
16.- Thành quả của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.Xây Dựng Tự Do Hòa
Bình Thịnh Vượng.
Tuy nhiên Ðại Úy K. tiếp nếu chỉ nói lên hình ảnh mà không đề cập tới quan niệm nghệ thuật của Ðiêu Khắc Sư thì quả là một điều thiếu sót to lớn.
Và không đợi cho tôi hỏi ông nói: ‘’Theo Cụ Mậu, điêu khắc phẩm ‘Dòng Lịch Sử Việt Nam Huy Hoàng’’ cần được sáng tạo bằng sự hòa điệu nghệ thuật dựa trên các khiếu năng căn bản của con người.
Tất cả sẽ bắt đầu cuối năm 1975, hoàn tất năm 1976’’.

Và đó là giấc mơ mà một Nhà Văn Hóa, một Ðiêu Khắc Gia Việt Nam tưởng rằng gần đạt được nhưng đã đứt gánh giữa đường.

Ngày 30.4.1975 chấm dứt biết bao nhiêu ước mơ lớn nhỏ trong đó có cả một công trình nghệ thuật trên Vành Khăn Tang vĩ đại của Nghĩa Trang Biên Hòa.

Tổng Hợp Từ Các Tài Liệu:
1.- Quân Sử Việt Nam Cộng Hòa Tập 4
2.- Tài liệu của IRRC. Inc
3.- Ðặc San Công Binh 1/1975.

-

No comments:

Post a Comment