Wednesday, January 12, 2011

Tản mạn về NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI BIÊN HOÀ - Mộc Đình Nhân (Chicago , Illinois . USA) , Hội Ái Hữu Biên Hòa

Tản mạn về NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI BIÊN HOÀ

Mộc Đình Nhân (Chicago, Illinois . USA)


Thời Việt Nam Cộng Hoà, ngoài các nghĩa trang quân đội thuộc các Tiểu Khu, còn có hai nghĩa trang lớn. Đó là Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp (Gia Định), nhưng vào năm 1964, nơi đây không còn đủ đất để chôn những người lính tử trận, thì Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà được lệnh thành lập, nhằm đáp ứng nhu cầu mộ địa cho tử sĩ mỗi ngày một gia tăng theo chuyển biến chiến trường ngày càng sôi động … Thường, các chiến sĩ ngã gục nơi trận địa được các đơn vị đang hành quân đưa lên trực thăng chở về Nghĩa Trang. Nơi đây cho tắm rửa sạch sẽ, rồi cho vào từng hộc ướp lạnh, chờ thân nhân đến nhận và quyết định hoặc đưa về chôn ở quê nhà hay an táng tại nơi nầy.

Kể từ Tết Mậu Thân, năm 1968 đến ngày 30-4-1975, không ngày nào Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà không có tiếng khóc than của thân nhân, xót thương người tử sĩ. Những chiếc khăn tang, cùng khói nhang và tiếng mõ… tạo cho Nghĩa Trang một nét trầm buồn thảm não… nhất là những buổi chiều mưa, có dịp ngồi nhìn những dãy mồ, những tấm bia đồng dạng, ngay hàng thẳng tấp, sơn màu vôi trắng và có những người vợ trẻ ôm nấm mồ khóc trong mưa…không ai không cảm thấy có sự buồn lây, đau xót cho cuộc đời của người lính chiến quá mong manh, ngắn ngủi và cảm thông sâu sắc nỗi đau khổ của những vợ trẻ… Trước cảnh tử biệt sinh ly nầy, dù ai sắt đá cũng phải mềm lòng và tự nhiên để dòng lệ tuôn rơi… rồi đâm ra căm thù Cộng Sản và nguyền rủa chiến tranh đã tàn nhẫn cướp đi bao mạng sống của những người trai trẻ, lứa tuổi đôi mươi. Biết bao bà mẹ già tóc bạc phơ đến Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, buồn bã khóc con thơ và nghe anh Trưởng Ban Nghi Lễ Hậu Sự đọc điếu văn có câu:

“Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng trước …Trời ơi là Trời!!”


Và biết bao mái đầu xanh tức tưởi khóc thương cha, rồi liên tưởng đến số phận mồ côi trong phần đời còn lại với một tương lai đầy bóng tối. Sau ngày 30-4-75, trong cảnh tranh tối tranh sáng, vẫn có nhiều người lặng lẽ đến viếng Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, thăm mồ tử sĩ, những người thân của họ đang yên nghỉ nơi nầy, trong cử chỉ vội vàng, thương tiếc … vì theo họ suy đoán, có thể Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà sẽ bị cày nát và san bằng…

Đầu tháng 5-75, tượng TIẾC THƯƠNG nơi cổng vào Nghĩa Trang bị giật sập, tượng chỏng ngược đầu xuống đất, cẳng lên trời, cận lề xa lộ, khiến cho những khách qua đường cảm động, âm thầm nhỏ lệ xót thương “anh lính đồng đen”, một khối vật chất nhưng rất có hồn và mang nhiều huyền thoại, xin mời các bạn thưởng thức bài thơ sau đây của Thế Nhân viết về tượng “Tiếc Thương” khoảng thời gian Mùa Hè Đỏ Lửa.


TƯỢNG TIẾC THƯƠNG

Đã bao năm rồi nhỉ!?

Anh vẫn ngồi lặng im

Giữa trời sương gió lạnh

Nhìn bạn bè ngủ yên.



Anh, pho tượng Tiếc Thương

Nơi cổng vào nghĩa trang

Tôi một ngày về phép

Ngồi tựa dưới chân anh.



Tượng một anh chiến sĩ

Quân phục súng cầm tay

Đôi mắt nhìn lơ đãng

Như tiếc buồn thương ai!



Dáng dấp anh đang ngồi

Truyền thần qua điêu khắc

Nét buồn… ôi, sâu sắc!

Tan tác chiều mưa rơi!



Tôi tựa vào lưng anh

Nghe nỗi đời băng giá

Chưa tàn điếu thuốc lá

Ngao ngán đời chiến chinh.



Nhưng biết làm sao nhỉ!?

Còn sống còn đấu tranh

Mai trở về đơn vị

Tiếp tục bước quân hành



Đại đa số người Việt chỉ biết hoặc có dịp ngắm tượng Tiếc Thương do điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu thực hiện, đặt tại cổng vào nghĩa trang, nhưng ít người có dịp thưởng thức bức hoạ vẽ cảnh tượng Tiếc Thương (không rõ tên hoạ sĩ), treo trên tường văn phòng của Đại Đội Chung Sự, mà nhà thơ Thế Nhân có dịp ngắm và cảm xúc....



Bức Tranh ‘TƯỢNG TIẾC THƯƠNG’


Anh ngồi giữa không gian

Như ngồi trong tranh vẽ

Nét trầm buồn lặng lẽ

Mây trắng chiều nghĩa trang.



Bức tranh xanh xám nhạt

Toàn cảnh anh đang ngồi

Tôi ngắm nhìn anh mãi

Niềm thương tiếc không nguôi.



Hoạ sĩ nào tài thế

Vẽ nỗi buồn xa xăm

Hoàng hôn trên mộ địa

Thương tiếc đời quân nhân.



Những hàng bia ngang dọc

Thẳng tấp trên đỉnh đồi

Những mái đầu bạc trắng

Khóc con vừa đôi mươi



Lá xanh rơi rụng trước

Lá vàng còn trên cây

Thanh niên đền nợ nước

Hồn vương nghĩa trang nầy.



Hồn nghĩa trang đã nhập

Vào hồn anh miên man

Biết bao là huyền thoại

Tô đẹp đời quân nhân.



Anh đi vào bất tử

Biết bao người kính phục

Anh đã chọn tự do

Hy sinh vì dân tộc.



THẾ NHÂN

(Sau mùa hè đỏ lửa/72)



Vài nét về diễn tiến công trình xây dựng NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI VNCH:

-Theo lệnh của Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, các bộ Quốc Phòng, Nội Vụ, Y Tế, Công Chánh…phối hợp, dùng trực thăng, bay quan sát địa thế, tìm địa điểm… Kết quả, Ủy ban chọn một vị trí, một ngọn đồi không cao lắm, có độ dốc thoai thoải, cận xa lộ Biên Hoà–Sài Gòn và cách trung tâm Sài Gòn khoảng hơn 20 cây số, phần đất thuộc ấp Bình Thắng, Xã Bình An, Quận Dĩ An, Tỉnh Biên Hoà.

-Công tác xây dựng Nghĩa Trang Quân Đội VNCH được giao phó cho một Liên Đoàn 30(?) Công Binh Kiến Tạo thuộc Bộ Tổng Tham Mưu thực hiện và khởi công vào năm 1965, tại khu đất đã chọn nói trên, rộng 125 mẫu Tây (hecta) với dự trù chôn 30ngàn tử sĩ. Thoạt tiên, đơn vị Công Binh san định khu đất và xây cất các phòng ốc cho Đại Đội Chung Sự thuộc Nha Quân Nhu và một nhà ướp xác…

-Thiết lập phân ô từng khu mộ địa mà sau nầy tôi có dịp nhìn qua không ảnh, từ trên không thẳng xuống, khu mộ địa có dạng một hình Bát Quái và khi nhìn xiêng giống hình một con ong khổng lồ, đầu hướng ra xa lộ.

-Cổng Tam Quan (hoàn tất trước 1970)

-Đền Tử Sĩ trên đỉnh đồi (hoàn tất trước 1970)

-Tượng Tiếc Thương đặt tại cổng vào khu Nghĩa Trang (do điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu thực hiện bằng xi-măng cốt sắt đặt tại cổng Nghĩa Trang vào ngày 01-11-1966, sau đó được đúc và thu nhỏ lại bằng đồng và đặt trở lại trước công Nghĩa trang năm 1970.

-Con đường nhựa dài khoảng hơn 200 mét hai bên lề có trồng cây bạch đàn râm bóng mát, người địa phương đã đặt tên cho con đường nầy là “Đường Vào Nghĩa Trang” -Con đường đất khá rộng (dự trù trán nhựa) chạy giữa đồi, theo hướng Bắc Nam, tiếp giáp đoạn đường nhựa, từ ngã ba rạch Bà Lồ, chạy ngang công ty Giấy MêKông, hướng thẳng đến Vườn Ươn Cây Ấp Bình Thắng, phân cách Đền Tử Sĩ và khu mộ địa.

-Nghĩa Dũng Đài cao 40 thước, dựng trên một bệ bê tông cốt sắt được bao bọc bởi một bờ thành bê tông, thấp, chu vi trên 40 mét, sơn trắng, khiến cho những người nhạy cảm đặt liền cho một cái tên là “Vành Khăn Tang”, dự trù hoàn tất vào ngày 19-6-1975, nhưng bất hạnh thay cho chế độ VNCH, bị sụp đổ vào ngày 30-4-75. Từ xa hoặc từ trên cao nhìn xuống giống như một thanh gươm khổng lồ, cái chuôi chôn xuống đất.

-Tính đến ngày 30-4-1975 , số tử sĩ được an táng tại NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI nầy lên đến 16 ngàn người.

Miền Nam đã sụp đổ, nhưng biết bao người vẫn tiếc nuối chế độ Việt Nam Cộng Hoà, một chế độ tự do … và biết bao người vẫn thương mến người chiến sĩ QLVNCH, bản tính hiền hoà nhưng khí thế rất hào hùng, họ luôn quan tâm đến phần mộ người tử sĩ, mời bạn nghe các nhà thơ Trần Vấn Lệ, Thanh Nam và thi sĩ Vô Danh víêt về NTQĐBH như sau:


Ta về giữa chốn hoang sơ

Thầm hôn trên những nấm mồ vô danh

(Vô danh)



…Ta như người lính thua trận

Nằm giữa sa trường nát gió mưa

Khép mắt cố quên đời chiến sĩ

Làm thân cây cỏ gục ven bờ

Chợt nghe từ đáy hồn thương tích

Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa…

(Thanh Nam )



Tôi đi tìm những linh hồn,

Chết vì lý tưởng bảo tồn ước mơ

Hy sinh cho mỗi màu cờ.

Khổ đau khổ nhục còn chờ khai sinh…

Tôi đi tìm một lá cờ

Cho người nằm xuống đã chờ quá lâu

(Tran Nguyen Thien Hien)



Người tử sĩ chiều nghĩa trang hoang lạnh

Vẫn nụ cười trên bia mộ vô danh

Như tự hào đời chiến sĩ liệt oanh

Xem cái chết tựa lông hồng rơi nhẹ……

(Hồn Nghĩa Trang-Thế Nhân)

Cảm ơn một chỗ để về:

“Nghĩa Trang Quân Đội” bốn bề vắng tanh!

Cảm ơn hai chữ Hoà Bình

Quê hương đổi mới cho mình cô đơn!



Cảm ơn! Sao lại cảm ơn?

Nghĩa trang Quân Đội nén hương rã rời.

Mất đi tiếng khóc. Nên cười …

Mất đi pho tượng Lính ngồi, Tôi đi…



Đi quanh nhặt được mảnh chì

Đầu bom, đuôi đạn, còn chi cũng tình

Mộ người đã lấp cỏ xanh

Hồn thiêng sông núi còn hình nắng mưa!



Cảm ơn còn chỗ làm thơ

Rùng vai, còn biết bây giờ, đã lâu

Hai lăm năm thế mà mau

Hoà bình lặp lại mà tao với mày….



Rót ra ly rượu, rót đầy

Một trăm phần nhé, ôi mây với trời

Tay run đổ hết rượu rồi

Cái ly vỡ nát, bia người còn nguyên.

(Trần Vấn Lệ)



Vài sự kiện liên quan đến NTQĐBH sau ngày 30-4-75

Sau ngày 30-4-75, Nhà Nước Cộng Sản cho giật sập tượng “Tiếc Thương” nơi cổng vào Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, đồng thời tổ chức lại lãnh thổ hành chánh, khu đất “Nghĩa Trang Quân Đội VNCH” trước thuộc tỉnh Biên Hoà, nay thuộc tỉnh Bình Dương, nhưng do Quân Khu 7 quản lý, đặt thành khu quân sự, dựng bảng “Cấm Xâm Nhập” và bảng “Cấm Chụp Hình”. Và cũng từ đó, cán bộ, bộ đội, và dân chúng địa phương lấn chiếm, xây cất nhà ở chung quanh nghĩa trang, diện tích bị thu hẹp dần, đến nay chỉ còn khoảng 58 hecta đất, gói gọn 13 ngàn ngôi mộ cùng những kiến trúc nghệ thuật có tính lịch sử nói trên. Mặc dù có bảng cấm, nhưng thân nhân tử sĩ, vẫn khéo léo “ngoại giao” với đơn vị quân sự nơi đây để được vào đốt nhang, cúng bái, trẩy mả hoặc bốc cốt cải táng…. nhất là vào dịp gần Tết Nguyên Đán hằng năm.

Ba mươi năm qua, ngoài phần đất, cán bộ, bộ đội đã chiếm cất nhà, còn lại phần mộ địa tử sĩ hoàn toàn hoang phế, cỏ phủ rêu phong, các tấm xi-măng đậy trên mộ bị lấy cắp, khiến mộ bị sụp, trông rất tiêu điều, phần lớn mồ mả nằm trong cảnh hoang tàn vắng lạnh. Mặc dù có bảng “Cấm Xâm Nhập”, nhưng người ta vẫn rãi rác viếng thăm và thỉnh thoảng có hiện tượng lạ, từng đợt, nhiều người đi thăm cùng một lúc, không hẹn mà gặp trong từng thời điểm có ý nghĩa như sau:

Năm 1980, một số đông người đến giả từ tử sĩ, thân nhân của họ, để rồi chuẩn bị cho những chuyến vượt biên…và khó mong ngày gặp lại. Năm 1990, những người tù cải tạo được thả về, từng đợt đến thăm bạn bè đồng ngũ đã yên giấc nơi nghĩa trang nầy ... để chuẩn bị đi HO qua Mỹ. Những năm kế tiếp, có nhiều người Việt từ hải ngoại về thăm thân nhân hoặc chồng, con hoặc bạn thân chôn tại Nghĩa Trang QĐBH, nhưng đều gặp khó khăn, vì không biết cách ngoại giao(?)…họ thất vọng ra đi với cảm nghĩ chồng con họ là những chiến sĩ chết rồi mà vẫn còn bị “cầm tù” và bị “cách ly”.

Năm 1994 và những năm kế tiếp một số đông Việt Kiều về thăm viếng NTQĐBH đồng thời “ngoại giao” xin tu sửa mồ mả hoặc bốc cốt, có trên hai ngàn hài cốt đã di dời cải táng nơi khác…

Năm 1997 đến nay, tổ chức IRCC (Cơ Quan Định Cư và Văn Hoá Di Dân), do cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc làm Giám Đốc, gần như hằng năm, cũng có cử người về Việt Nam, nhờ anh em thương phế binh phụ giúp sửa sang một số phần mộ tử sĩ, dưới hình thức từng toán nhỏ có tính cách gia đình, như người nhà lo cho thân nhân.
Cuối năm 2004 và vào tháng 12-2006(?), ông Nguyễn Cao Kỳ, một vị tướng lãnh, từng là Phó Tổng Thống VNCH, có đề cập vấn đề Hoà Giải Hoà Hợp Dân Tộc với Thủ Tướng Phan Văn Khải và đề nghị nên “hoà giải với người chết trước”, theo tôi hiểu, không biết có đúng không, là Phía CSVN nên giữ nguyên khu NTQĐ/VNCH, có nghĩa là không xoá bỏ và nên cho thân nhân tử sĩ tự do ra vào khu nghĩa trang để tu bổ các phần mộ và lo việc nhang khói… nhưng đề nghị của ông Kỳ không có sức thuyết phục…Lúc bấy giờ, chỉ có nguồn tin không chánh thức ‘‘Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam có hứa là sẽ thực hiện(?)’’, nhưng không ai dám tin những gì Cộng Sản nói. Mặc dù vậy, thân nhân tử sĩ vẫn chờ trong niềm hy vọng mong manh.

Tháng Giêng 2007, có một nhóm ký giả từ Úc về Việt Nam làm công tác từ thiện gồm có các ông Vi Tuý, chủ nhiệm tuần báo Văn Nghệ, anh Nhất Giang, chủ nhiệm nhật báo Chiêu Dương, anh Hồ Ông, chủ bút báo Văn Nghệ…có đến viếng thăm NTQĐBH, thấy có phần dễ dãi hơn một chút và có một hiện tượng rất lạ, là dân ngụ quanh Nghĩa Trang tự động tổ chức phân lô khu nghĩa trang A, B, C, D, F…theo cách của họ, rồi chia nhau làm công tác tự nguyện trông coi, rẩy mả với tấm lòng thương kính người tử sĩ VNCH, họ lập danh sách các tử sĩ để họ sẳn sàng hướng dẫn cho thân nhân dễ dàng tìm thăm mộ tử sĩ. Nếu thân nhân tử sĩ thông cảm và biếu cho họ chút đỉnh tiền thì họ nhận, còn không có cũng không sao, họ vẫn niềm nở hướng dẫn…nhưng gần như không có một thân nhân tử sĩ nào quên công lao của họ…

Hình Thức xoá dần NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI BIÊN HOÀ

Đầu tháng 5-1975, Cộng Sản đã cho giật sập tượng “TIẾC THƯƠNG” ngồi trên bục cao nơi cổng vào nghĩa trang. Nhà Nước Cộng Sản cho phá bỏ tượng “Anh Lính Đồng Đen”, vì đó là biểu tượng của người lính Cộng Hoà, hào hoa phong nhã, tính khí hào hùng, có lý tưởng hẳn hoi và dám chấp nhận hy sinh cuộc đời của riêng mình để chiến đấu, bảo vệ sự an bình và truyền thống dân tộc. Đơn vị quân sự trách nhiệm trấn giữ khu NTQĐBH cố ý làm lơ để cho cán bộ, bộ đội, bà con cán bộ lấn chiếm đất, xây cất nhà cửa chung quanh khu NTQĐBH, từ 125 hecta, hẹp dần, nay chỉ còn 58 hecta và để cho một số người vô ý thức, cạy lấy nắp mộ và bia của tử sĩ… là một hình thức gián tiếp ngầm phá tan nghĩa trang nầy.

Thập niên 80, một nhà máy nước Thuận An không biết là của Nhà Nước hay của tư nhân được xây dựng tại vị trí trung tâm, giữa khu mộ địa và đền Tử Sĩ, trên con đường đất đỏ băng ngang đồi nghĩa trang. Cũng trong thập niên 80(?), một doanh trại huấn luyện Nghĩa Vụ Quân Sự được xây dựng trên đỉnh đồi.

-Năm 2002 Cộng Sản đã cắt bớt hơn 10 mét ngọn tháp Nghĩa Dũng Đài (?), Dân địa phương cho rằng người Cộng Sản tự ti…, khi so sánh NTQĐ/VNCH với Nghĩa Trang Liệt Sĩ của họ, được hình thành sau ngày 30-4-75 và cách đó không xa, (khoảng chừng một cây số) nằm phía bên kia xa lộ…, nhưng tôi thì không nghĩ như vậy.

-Cuối năm 2006, Thủ tướng Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam đã ký Quyết Định số 1568/QĐ-TTg ngày 27-11-2006 chỉ thị Quân Khu 7 bàn giao khu nghĩa địa xã Bình An (tức khu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà) cho UBND Tỉnh Bình Dương sử dụng vào việc phát triễn kinh tế xã hội và sự việc nầy đã được tiến hành xong vào tháng 7-2007. Đây là một Quyết Định vô cùng “ý nghĩa”, cho sự bắt đầu xoá dần Nghĩa Trang Quân Đội VNCH.

-UBND Tỉnh Bình Dương đang dự trù xây một trường học nơi doanh trại của Trung Tâm Huấn Luyện Nghĩa Vụ Quân Sự Quân Khu 7, mà đơn vị quân sự nầy đã di chuyển nơi khác và cũng đang dự trù biến khu đất NTQDBH (chỉ còn 58 mẫu) thành nghĩa địa dân sự xã Bình An, đồng thời, dự trù cho phép những người cư ngụ trong phạm vi xã, huyện địa phương được đưa người thân quá cố vào chôn nơi đây.

-Theo nguồn tin Báo Thanh Niên (trong nước) ngày 11-8-2007, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch giao 32 trong số 58 hecta đất nghĩa trang cho huyện Dĩ An làm nghĩa trang nhân dân và ông Phó Chủ Tịch Bình Dương đã nói: “Tỉnh Bình Dương ủng hộ việc bà con tiến hành chỉnh trang, sửa sang lại những phần mộ ở đây để có một nghĩa trang nhân dân đẹp đẽ” và cũng theo tờ báo nầy “Đó là một biểu hiện cụ thể của chủ trương hoà giải hoà hợp dân tộc một cách thật sự” trong tinh thần nghĩa tử nghĩa tận. Lời tuyên bố của Phó Chủ Tịch Bình Dương rất “khớp” với lời tuyên bố của Chủ Tịch Nước Cộng Sản Nguyễn Minh Triết trong chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng 6-2007 “…sẽ không có di dời đi nữa và sẽ đồng ý cho tất cả những người có thân nhân chôn cất ở trong đó được phép tái tạo, sửa đổi, trùng tu lại để làm cho tốt đẹp hơn”.

Theo tài liệu của UBND huyện Dĩ An (Bình Dương) thì hiện tại khu nghĩa địa dân sự xã Bình An (tức NTQĐBH trước đây) có đến 17 ngàn ngôi mộ, một số còn giữ nguyên trạng ngôi mộ xây bằng xi-măng; đa phần còn lại, có đến 12 ngàn ngôi mộ đã bị lấy mất nắp mộ, xuống cấp thấy rõ…cỏ mọc um tùm, hoang sơ, lạnh lẽo…Diễn tiến trên đây cho thấy Nhà Nước Cộng Sản chính thức xoá bỏ “Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà” (cấp nghĩa trang quốc gia thời VNCH), và bây giờ chỉ là một nghĩa trang cấp xã dân sự, khoảng 13 ngàn tử sĩ VNCH tạm thời giữ nguyên trạng mộ địa nơi đây….

Theo tờ báo Thanh Niên nói trên, có vài nhà kinh doanh Việt Nam tỏ ý muốn đầu tư, khai thác khu mộ địa nói trên, nhưng UBND tỉnh Bình Dương đã từ chối và quyết định giử khu đất “NTQĐBH” trước đây làm “NGHIA ĐỊA NHÂN DÂN XÃ BÌNH AN”. Sự việc nầy đã đáp ứng phần nào mong mõi của thân nhân tử sĩ an giấc ngàn thu nơi đây.

Quyết định trên đây dĩ nhiên không làm hài lòng những người hoạt động chính trị, nhất là đối với quân cán chính VNCH ở khắp nơi trên thế giới và số đông dân chúng trong nước từng có thiện cảm với người lính Cộng Hoà, họ luôn mong muốn Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam cho giữ y nguyên trạng với tên Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà đồng thời cho họ đóng góp trùng tu toàn diện để làm thắng cảnh lịch sử. Nhưng việc nầy đã không thành, vì Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam có cách tính và giải quyết theo đường hướng của họ.

Có nhiều người ước đoán khu “Nghĩa Địa Nhân Dân Xã Bình An” rồi cũng sẽ bị xoá bỏ, vì nó dính dáng một phần quá khứ liên hệ VNCH, với một lý do đơn giản “Vì nhu cầu chỉnh trang thành phố” hoặc “Vì nhu cầu phát triễn kinh tế”. Họ nghĩ rằng một ngày “đẹp trời nào đó”, UBND Tỉnh Bình Dương lại ra Quyết Định hay Thông Cáo cho những người có thân nhân chôn tại nghĩa địa nhân dân xã Bình An (tức NTQĐBH trước đây) phải bốc cốt cải táng thân nhân của họ ở một nơi khác thì sao! Cũng đành chịu thôi! Vì quyền hạn trong tay Đảng. Trước đây, tổ chức Quốc Gia Nghĩa Tử ở hải ngoại, rất lo lắng cho Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà bị xoá sổ, nên ông Nguyễn Duy Linh,Tổng Thư Ký của tổ chức nầy, có liên lạc với Toà Đại Sứ CSVN tại Hoa Thịnh Đốn, trình thỉnh nguyện thư xin đừng xúc phạm hay thay đổi nghĩa trang nầy, cũng như vào tháng 11-2007, ông Nguyễn Duy Linh về Việt Nam để vận động với các cấp chính quyền Cộng Sản để được phép chỉnh trang NTQĐ/ VNCH, nhưng chỉ được Tỉnh Bình Dương cho biết “Quốc Gia Nghĩa Tử có thân nhân chôn cất ở trong đó được vào trong đó để xây lại những ngôi mộ bị bể, bị vỡ hay mất bia”. Còn huyện Dĩ An thì cho biết họ có một ngân sách để xây những ngôi mộ đó. Nhưng cũng chỉ nói mà thôi, chưa có hành động nào cụ thể. Về vấn đề nầy, đến nay, vẫn chưa có một quyết định dứt khoát cho phép Quốc Gia Nghĩa Tử xúc tíến việc “trùng tu khu Nghĩa Trang nói trên, ” mà chỉ cho phép Quốc Gia Nghĩa Tử hoặc thân nhân tử sĩ cứ tự do tiến hành việc tu sửa các phần mộ cho thân nhân mà thôi. Và cũng trong khoảng thời gian nầy, tổ chức QGNT đã cho thực hiện cuộc tảo mộ đầu tiên.

Bây giờ, việc tranh đấu hoặc thảo luận để bảo tồn khu Nghĩa Trang Quân Đội Miền Nam, khu mộ di tích lịch sử, không còn đặt thành vấn đề, vì Quyết Định nói trên đã nói rõ rồi, một nghĩa địa nhân dân xã Bình An, mọi người có quyền vào tu sửa phần mộ của thân nhân, theo như điều I của Quyết Định nói trên ‘‘Đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 ha đất khu nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Quân Khu 7, Bộ Quốc Phòng quản lý sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triễn kinh tế -xã hội tỉnh Bình Dương’’, nhưng có một số người mong mỏi là thân nhân hay một tổ chức nào đó, đứng ra lãnh công tác chỉnh trang phần mộ, nên sửa chữa cách nào cho mọi người nhận biết đó là mộ của người chiến sĩ VNCH, trong ý thức làm hài lòng vong linh người tử sĩ, họ đã hiên ngang chết dưới cờ vì lý tưởng tự do …, theo một hình thức đơn sơ như hàng ngàn ngôi mộ hiện tại, để giữ được nét đồng bộ như trước đây. Nét đẹp và vinh dự của người lính VNCH là ở chỗ đó.
Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam quyết xoá bỏ, thì toàn dân cũng đành chịu thôi, chỉ tiếc sao Nhà Nước Cộng sản Việt Nam không lãnh hội được cái ‘‘tinh thần’’ của nước Pháp, thời điểm, sau đệ nhị thế chiến, để một nghĩa trang của người Đức được thành lập và tồn tại trên đất Pháp đến ngày nay; rất tiếc Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam không có ‘‘tinh thần’’ như nước Mỹ sau cuộc nội chiến hồi thế kỷ thứ 18, một nghĩa trang Arlington dành cho lính tử trận của hai bên chiến tuỵến, được dựng tại Washington D.C., hay hơn thế nữa, Cộng Sản Việt Nam, cái gì cũng giống Trung Cộng, gần như rập khuôn, thế mà việc Trung Quốc bảo vệ nghĩa trang Hoàng Hoa Cương của Quốc Dân Đảng để cho nghĩa trang nầy trở thành một Danh Lam Thắng Cảnh của Trung Quốc ngày nay, là không giống.

Vì thế chính trị và muốn duy trì chế độ Cộng Sản, nên Nhà Nước CSVN quyết xoá tất cả những ‘‘tàn tích’’ chế độ Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam… nhưng Đảng CSVN cũng chỉ có thể xoá bỏ được những ‘‘tàn dư’’ vật chất như sách báo, nhạc vàng mà CSVN cho là văn hóa đồi trụy hoặc các di tích mang tính biểu tượng tự do, dân chủ… nhưng chắc chắn CSVN không bao giờ xoá được những nét hào hùng của người chiến sĩ VNCH, cũng như lý tưởng tự do dân chủ nằm sâu thẳm trong tâm hồn của những người Việt Nam yêu nước.
Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam cố xoá đi hàng chữ NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI VIỆT NAM CỘNG HOÀ. Nhưng tôi tin chắc rằng người dân miền Nam và có thể cả người dân miền Bắc không bao giờ quên một nghĩa trang có tính cách lịch sử, qui mô về kiến trúc, một hình ảnh đẹp, đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người.
Tôi lấy làm tiếc cho NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI BIÊN HOÀ không còn nguyên vẹn như ngày xưa… mà tôi đã có lần nghĩ, nơi đây sẽ trở thành thắng cảnh lịch sử, một khu mộ địa lớn nhất Đông Nam Á, nằm trên một ngọn đồi không cao lắm, với tượng “Tiếc Thương”, anh lính đồng đen mang nhiều huyền thoại, với Đền Tử Sĩ uy nghiêm, với Nghĩa Dũng Đài ngạo nghễ, với hàng cây “Đường Vào Nghĩa Trang” gió thoảng u buồn, với những ngôi mộ ngay hàng thẳng lối, phủ màu tang trắng, như một tấm vải trắng khổng lồ được cắt xén góc canh rất công phu….

Người chiến sĩ đã thề “da ngựa bọc thây” thì vài thước đất nghĩa trang đối với người tử sĩ đâu có nghĩa gì. Nhưng đối với những người đã một thời là cấp chỉ huy của họ, là đồng đội của họ, là thân nhân của họ phải cố làm sao cho bia mộ của họ được tồn tại với thời gian là một việc làm có ý nghĩa…

TQGO: nguồn bài: Hội Ái Hữu Biên Hòa (không đề ngày viết, nhưng áng chừng 2007 thể theo nội dung.)

-

No comments:

Post a Comment