Wednesday, January 12, 2011

Viếng nhanh Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa-Vi Lang

Viếng nhanh Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa
(Đặc phái viên Vi Lang từ Saigon-VienDongDaily.com - 12/01/2007)

Hoang tàn với nhiều chuyện linh thiêng quanh nghĩa địa.

SÀI GÒN, 12-01-07 - Vài ngày sau khi có tin Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký một Quyết Định chuyển khu Nghĩa Trang Quân Đội VNCH hiện do đơn vị bộ đội thuộc Quân Khu 7 quản lý sang cho Ủy Ban Nhân dân tỉnh Bình Dương để dân sự hóa khu nghĩa địa này, chúng tôi mới có dịp ghé viếng nhanh khu Nghĩa Trang Quân Đội VNCH từ trước 1975. Chúng tôi đi xe gắn máy từ Sàigon qua nhiều cao ốc mọc tua tủa hai bên xa lộ Biên Hòa xe cộ chạy dập dìu và vất vả mới táp xe được trược bệ tượng đài.


Từ đây nhìn vào trong cổng Tam Quan thấy những con ngựa kẽm gai chằng chịt với những tấm bảng ghi : Khu Quân Sự, Cấm Vào. Những lùm lau sậy cao ngất quanh hai bên cổng tam quan vàng cháy sém như tóc của một đứa bé bị cháy nắng còi cọc.

Cổng chánh rào cản ngăn không vào được trước sân tượng đài, chúng tôi cho xe chạy đường vòng trên đường đất đỏ bụi mù. Đi ngang qua một vài chòi quây bằng bao ny lông và bằng giấy cạt tông phủ đầy bụi đỏ trông hoang dã như những chòi của các phim cao bồi trên màn ảnh miền Viễn Tây mà tôi có dịp xem từ xa xưa.
Đi vòng trên con đường mòn bụi mù và xốc xếch hướng ra cửa sau, chúng tôi tắt máy xe cho dựa vào gốc cây rồi cầm một bó nhang đi vào cổng sau như đi thăm một thân nhân.
Vừa bước qua cổng sau bỗng có tiếng ách lại làm chúng tôi hoảng hồn. Hai bộ đội mặc áo màu xanh cứt ngựa nhìn chúng tôi lườm lườm. Tôi cầm bó nhang làm bộ tỉnh nói tôi đi tìm người thân vì sắp đến ngày giỗ. Họ không nói gì chúng tôi lại săm soi trên từng ngôi mộ như đi tìm người thân an nghỉ.

Chúng tôi đi giữa những dẫy mộ hoang tàn như khu nhà hoang. Cây cỏ mọc luông tuồng và nắng cháy sém trông thật là thảm thương. Những lùm bụi mọc tùm lum cho thấy cảnh hoang sơ buồn chi lạ . Nhìn cảnh làm tôi nhớ đến những câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Ðến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Ðá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây, luống đoạn trường

Nhìn những ngôi mộ xiêu vẹo loang lở, màu xi măng đục lờ, chúng tôi ghé lại ngôi mộ xây xi măng có ghi:
Giu-Xe Lý Quang Khang sanh ngày 1-10-1955, chết năm 1974.

--

Người lính chết trẻ khi tuổi đời mới 19 tuổi.

Một ngôi mộ khác đề tên có cấp bậc

Hạ Sĩ Trần Văn Tạo, Tiểu Đoàn 2/48, chết ngày 20/3/1974.



Rồi đến Binh nhì Nguyễn Văn Phước TD3/8 từ trần 8/1974.
Một ngôi mộ khác tên Hạ Sĩ Trần Y Hùng, TD2/49 từ trần 1974.
--

Những ngôi mộ mà chúng tôi vừa đi ngang qua ghi nhận đều là những người lính chết từ sau Hiệp Định Paris ký kết ngày 27 tháng Giêng năm 1973 mà lẽ ra họ không phải chết nếu Hiệp Định ngưng bắn được áp dụng đàng hoàng. Những người lính chiến này chết oan.

Chúng tôi thắp một nén hương với lòng buồn vô hạn.

Một bóng người từ bên một bụi lác bước ra gầy còm bước ra tay cầm một cây cuốc nhỏ với cái khăn rằn trên vai, một tay xách bình ny lông nước. Cụ chắc hẳn là 70 hay hơn. Chúng tôi hỏi thăm cụ cho biết vừa đi giẫy cỏ cho vài ngôi mộ mà thân nhân của họ đã nhờ cụ từ trước cứ mỗi tuần một lần cụ ra giẫy cỏ chung quanh mộ cho sạch sẽ giùm nhất là trong mùa mưa, cỏ lên nhanh.

Chúng tôi hỏi thăm cụ có biết khu nghĩa trang quân đội này có thể bị giải tỏa trở thành khu nghĩa trang dân sự không. Cụ cho biết cụ cũng có nghe nói vậy nhưng cũng có nghe mấy anh bộ đội gác ở đây nói khu nghĩa trang quân đội này sẽ bị giải tỏa và sẽ trở thành khu Công Nghiệp Bình Thắng. Có thể mấy chục mẫu đất ở đây sẽ trở thành những cao ốc tua tủa như ở các khu kế bên. Đất ở đây bây giờ còn mắc hơn vàng nữa.

Chúng tôi mời ông điếu thuốc, ông cầm giắt vào lỗ tai, lấy chiếc khăn rằn lau mồ hôi, mở cái bình ny lông xách theo lớn ra đưa lên miệng tu một hơi. Sau đó ông mới từ tốn châm điếu thuốc thả khói lên trời mơ màng như nói với ai:” Nghĩa trang quân đội này linh lắm nghe cậu hai. Nhiều người kể chuyện một người bán bánh mì vào sáng thật sớm trời lạnh , có một đám lính trẻ chừng hơn hai mươi tuổi chạy ra mua mỗi đứa mỗi ổ rồi trả tiền đàng hoàng. Đến chừng sáng rỡ, người bán bánh mì nhìn lại mớ tiền mà người ta trả chỉ là mớ giấy vàng bạc hàng mã.

Một chiếc xe chở rau quả từ Dalat về ngang đây vào lúc tối trời xe bị bể bánh, thấy cũng có một tốp lính chạy ra mua bắp cải cũng trả tiền đàng hoàng. Chừng tài xế chạy về Saigon thì thấy tiền mà họ trả mua bắp cải cũng là tiền bằng giấy vàng bạc. Lúc ấy trên nhiều ngôi mộ, mỗi ngôi mộ có một cái bắp cải...
Trời đã chiều, tôi lén chụp được mươi tấm ảnh đẩy xe ra về khi nghĩ rằng chừng một thời gian ngắn nữa, khu nghĩa trang quân đội này sẽ trở thành khu công nghiệp Bình Thắng mà lòng buồn rười rượi. Rồi đây hương hồn của các anh linh chiến sĩ còn có một nơi nào nương tựa. Hy vọng anh linh của hơn một vạn chiến sĩ VNCH an nghỉ tại đây sẽ làm dừng tay những người vô tâm và đồng thời cũng hy vọng tin điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, tác giả bức tượng Tiếc Thương ở Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa đã về Saigon hoàn thành bức tượng Tiếc Thương vào chỗ cũ trước khi ông rửa tay gác kiếm về hưu.
----------------


-

No comments:

Post a Comment