Wednesday, January 12, 2011

Từ những hoang phế của Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà đến thảm cảnh của những người phế binh không hồ sơ bị bỏ quên trên các nẻo đường Việt Nam u tối…-Hải Triều

...Ngay sau ngày 30/4/75, nhiều người lính miền Nam nằm trong các nghĩa trang quân đội, xương đã mòn, thân đã tan, tay không M16, xuôi tay nằm dưới lòng đất tự bao giờ… cũng không thoát khỏi sự trả thù của người cộng sản. Trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà và những nghĩa trang quân đội khắp miền Nam, vô số những tấm ảnh anh em gắn trên các mộ bia, sĩ quan cũng như hạ sĩ quan, bị những người cộng sản đập nát mặt… Và chúng ta coi đó là những hành động trả thù người chết không phương tiện tự vệ....


Từ những hoang phế của Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà đến thảm cảnh của những người phế binh không hồ sơ bị bỏ quên trên các nẻo đường Việt Nam u tối…

Hải Triều

1. Năm 75, Sàigòn sụp đổ, người sống bị gom vào các trại tù, nơi mà đảng gọi là các trại cải tạo.
Cải tạo có nghĩa là các đỉnh cao trí tuệ từ Hà Nội sẽ sửa đổi lại não trạng những “cái đầu phản động” của hàng trăm ngàn quân cán chính miền Nam, mà đa phần là sĩ quan có trình độ đại học, có kiến thức, thông minh, có sự hiểu biết hơn cái đầu của “những người chiến thắng” đang làm chủ đất nước bằng AK và chuyên chính vô sản…

Thoạt đầu dường như người cộng sản nghĩ rằng chỉ giam mấy tên “ngụy” chừng vài tuần, thổi vào tai họ vài câu “thần chú chủ nghĩa Mác Lê và tư tưởng ông Hồ”, “ba dòng thác cách mạng”… là cả đám sĩ quan miền Nam giác ngộ, sáng mắt ra…, nên ai cũng được cán bộ đảng bảo chỉ đi học tập vài ba tuần là được về với gia đình. Ai ngờ đám sĩ quan miền Nam toàn là dân có bằng cấp, kiến thức thứ thiệt, nên những đỉnh cao trí tuệ bỗng trở thành “những đỉnh thấp trí tuệ”, các ông cộng sản tức, ông dùng AK và nhà tù kéo dài lời hứa cho về nhà thành 3 năm, 5 năm, 10 năm, 15 năm, có người gần 20 năm cho bỏ ghét!

Có người cho rằng, dù sao thì đảng và nhà nước ta cũng còn nhẹ tay hơn quân Pol Pot của “Killing field” đối với những thành phần sĩ quan miền Nam bị đưa ra Bắc trên tàu Sông Hương, hay bị giam trong các trại tù gọi là “cải tạo” rải rác khắp miền Nam, trong số đó có tôi, kẻ viết bài này. Tôi nhớ có hôm chui vô “room paltalk” “Cộng hòa vs cộng sản tranh luận dân chủ và sự thật”, khi tôi miên man “đục” đảng ta, có một anh VC nhào vô hỏi “Anh thật có ở tù không? Ở trại nào?…” Tôi bảo anh ta lấy viết ra ghi và vễnh tai nghe cho rõ:

“Trại Kà Tót ở giữa mật khi rừng rậm, biên giới Lâm Đồng/Bình Thuận! Trưởng trại là Trung Ống Vố người Quảng Ngải, nhập trại ngày 19/5/1975, đúng ngày sinh giả của ông Hồ!… Muốn nghe thêm không?”

Thấy anh ta làm thinh, tôi kể tiếp:

Trại Kà Tót được cộng sản gọi là “trại tù & tàn binh Kà Tót”, một trong những mật khu của VC. Khi chúng tôi bị áp tải vào sân trại, bộ đội VC bắt chúng tôi xếp hàng thẳng, bỏ hết thực phẩm, quần áo, mùng mền, võng, giầy giép xuống chân; thân trần, quần xà lỏn, hai tay đưa lên trời cho cán bộ lục trong hóc hẽm còn lại của thân thể để móc ra từng viên thuốc, từng cục đường … Chúng tôi xanh mặt biết cái gì thê thảm sẽ xẩy ra cho mình tiếp theo đó, chúng tôi biết thân phận bèo bọt của mình rồi sẽ ra sao.

Tôi và người bạn vội vàng bỏ vào miệng mấy viên Chloroquin, các thứ còn lại bị tịch thu. Toàn bộ thức ăn, mùng mền, giầy giép bị tịch thu để một đống vào nhà bếp… để chúng tôi ngủ giữa rừng trơ da cho muỗi hút máu chơi, ngày lao động bằng chân trần, đạp các mũi nhọn, gai góc của rừng tranh cho chảy máu chơi…

Truớc khi tôi có mặt tại rừng Kà Tót thì nhiều anh em đã nằm xuống, bị chôn quanh rừng, và tôi sau đó lại cùng anh em chôn tiếp những người lính bất hạnh bị bệnh tật, sốt rét, lao động khổ sai và đói ăn. Thức ăn chúng tôi mang theo biến mất trong kho trại, và chỉ sống cầm hơi bằng gạo mục và măng rừng… Ban ngày thần đảng vát AK hành hạ tù, ban đêm thần chết thay phiên nhau thăm viếng anh em, nên vài hôm lại một kẻ ra đi…

Nắng lên soi bóng trong mầu mắt
U uẩn nét sầu đối cỏ cây
Cứ ngỡ con người ra cũng đắt
Mà sao như rạ chết theo ngày?!

Cứ thế từng đêm giặc tỉa dần
Không cần mũi đạn, mũi dao đâm
Mà vẫn giết êm thanh toán gọn
Từng lớp tù nhân ngã âm thầm…

Đối với người sống, thôi thì đảng và nhà nước cộng sản có súng ống làm vậy cũng được đi, ai cấm ông, nhưng đối với người chết, các ông quyết cũng không tha. Ngay sau ngày 30/4/75, nhiều người lính miền Nam nằm trong các nghĩa trang quân đội, xương đã mòn, thân đã tan, tay không M16, xuôi tay nằm dưới lòng đất tự bao giờ… cũng không thoát khỏi sự trả thù của người cộng sản. Trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà và những nghĩa trang quân đội khắp miền Nam, vô số những tấm ảnh anh em gắn trên các mộ bia, sĩ quan cũng như hạ sĩ quan, bị những người cộng sản đập nát mặt… Và chúng ta coi đó là những hành động trả thù người chết không phương tiện tự vệ.

Lớp người cộng sản trong những ngày đầu sau tháng Tư 75 có những hành động như trên nay sau 33 năm, đã già, nếu còn sống, chứng kiến sự đổi đời từ trắng sang đen, nhận ra nỗi tang thương, bất hạnh của dân tộc, chắc cũng còn lương tri để hiểu rằng họ đã sai về mặt đạo đức và con người trong những hành động tàn mạt trên đây.

Hiện nay, riêng Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà/NTQĐBH hiện còn hàng chục ngàn ngôi mộ hoang phế không ai chăm sóc, ngoài những ngôi mộ còn được thân nhân chăm sóc hàng năm. Chúng tôi ghi nhận có một số cá nhân hay hội đoàn hải ngoại quan tâm và bỏ công sức, tiền bạc tu bổ, sửa sang, chăm sóc một số ngôi mộ trong NTQĐBH.

Vấn đề chăm sóc và chỉnh trang những ngôi mộ trong NTQĐBH đã được một số cá nhân hay tổ chức ở hải ngoại nêu ra. Nhưng việc tiến hành công việc chưa khả quan.

Chúng tôi, cá nhân người viết và bạn bè, hiểu tính chất phức tạp và tế nhị của “vấn đề Nghĩa Trang Quân Đội” đối với chính trị bộ của đảng CSVN, kể cả vấn đề an toàn của những anh em trong nước, nên chúng tôi đã âm thầm kiếm tiền riêng thực hiện việc chăm sóc những ngôi mộ hoang của anh em. Trong hai chuyến đi nói chuyện và ra mắt sách vừa qua ở nước Úc, độc giả, đồng bào đã mua sách và tự động đóng góp gần 2 ngàn đô la cho chương trình ngôi mộ tử sĩ và giúp những anh em thương phế binh không hồ sơ lê lết, bán vé số hay ăn xin ở các thành phố miền Nam. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được những yểm trợ âm thầm của những anh em trên hệ thống paltalk, không cần nêu danh, không cần đặt vấn đề chi tiêu… cho việc tiếp tục công tác “từ thiện, ân tình trên”. Ngoài ra, việc yểm trợ âm thầm của anh em Thủ Đức, Tổng Hội Thủ Đức Hải Ngoại cũng là những động lực giúp chúng tôi đẩy tiếp những việc mình làm.

Cho đến nay, tại NTQĐBH anh em đã chăm sóc trên 3 ngàn ngôi mộ, và công việc còn đang tiến hành. Chúng tôi cũng vừa đợt tiền đợt thứ 8 về Việt Nam… và hy vọng sẽ có một ngày nào đó, NTQĐBH không còn một ngôi mộ nào của anh em bị sạt lỡ, cỏ hoang phủ chụp.

2. Hàng vạn Thương Phế Binh không hồ sơ bị bỏ quên trên quê hương đau thương…
TPB Trần Văn Thành, sanh 1955. Tình trạng: cụt hai tay và chân phải. Ðơn vị: Số quân 55E01051. Cấp bậc Tiểu đội phó, Trung đội 13DQ82 Nghĩa quân


Đồng bào hải ngoại không quên quê hương, không quên những TPB/VNCH lây lất trên quê hương. Nhiều tổ chức, nhiều hội đoàn đã làm công việc cứu trợ này hàng chục năm nay qua những chương trình quyên góp, văn nghệ, vận động từ thiện… Thế nhưng có bao nhiêu anh em đã nhận được tiền giúp đỡ?

Người viết không có con số chính xác về những anh em nhận được tiền từ nước ngoài, thế nhưng từ khi địa chỉ của Tổng Hội Thủ Đức Hải Ngoại “www.tonghoithuduchaingoai.com” xuất hiện trên web được post trên diễn đàn toàn cầu, rất nhiều anh em phế binh, từ binh sĩ đến sĩ quan, đã gửi thư ra xin giúp đỡ. Họ trình bày cuộc đời cơ cực, không được ai ngó ngàng hàng chục năm nay. Tổng Hội Thủ Đức và Nhóm Nhà Văn Quân Đội không có ngân khoản giúp anh em, và may mắn, chúng tôi nhận được sự chia sẻ gánh nặng của Hội Thương Phế Binh Nam Úc. Trong những ngày sắp tới, chúng tôi sẽ chuyển sang Úc một số hồ sơ TPB của anh em.

Nhưng trong bài viết này, người viết chỉ viết về một thành phần TPB bị bỏ quên ngoài đường phố, lê lếch bần hàn, ăn xin, bán vé số… khắp miền Nam, “một quê hương đã bị chiếm đóng, đã bị mất” kể từ 1975: những người phế binh không có hồ sơ! Họ là ai? Họ là những sĩ quan, những hạ sĩ quan, những người lính khắp 4 quân khu, đủ các binh chủng…, và trong cuộc tang thương dâu bể đổi đời hơn 30 năm qua, dâu bể, tù đày, thiên tai, lưu lạc… họ đã mất hết toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan tới thương tích và cuộc đời binh nghiệp của họ. Họ không còn một mảnh giấy lộn để gửi thư ra nước ngoài xin các tổ chức TPB giúp đỡ.

Trong những ngày gần đây, việc cứu xét giấy tờ, hồ sơ phế binh được linh động hơn, chẳng hạn như người phế binh không hồ sơ cung cấp đủ số quân, binh chủng, đơn vị, đơn vị trưởng… và được các đơn vị trưởng hiện định cư ở nước ngoài xác nhận.. thì hồ sơ đó sẽ được trợ cấp. Nhưng chúng tôi biết con số trường hợp này còn rất ít. Tuyệt đại đa số vẫn sống âm thần, bị lãng quên trong bóng đêm. Hiện chúng tôi đang chui vào bóng đêm đó nhân tiến hành công việc trùng tu những ngôi mộ anh em tử sĩ bị bỏ hoang trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.

Một số anh em chúng tôi vừa thay phiên nhau hàng ngày dãy cỏ từng ngôi mộ anh em, đắp mộ anh em, vừa lang thang tìm những anh em phế binh ăn mày, ăn xin, bán vé số … trên các đường phố miền Nam và Sài Gòn. Chúng tôi phát giác ra những mảnh đờI tan nát của những người lính phế binh VNCH. Họ là những phế binh không giấy tờ, không hồ sơ. Làm sao những anh em này kêu gào lương tâm những đồng đội cũ nhớ đến họ khi họ không có một mảnh giấy lộn.

Không biết thì thôi, nhưng khi đã tiếp xúc được một vài trường hợp tội nghiệp của người phế binh, chúng tôi không thể bỏ qua. Nhưng làm sao chúng tôi yêu cầu các hội Thương Phế Binh hải ngoại giúp họ. Chúng tôi đã phải quyết định kiếm tiền và chia hai số tiền “ngôi mộ tử sĩ”, dành một phần tiền cho thành phần anh em này: Khi gặp họ lang thang trên hè phố, ăn xin hay bán vé số trong tấm thân tật nguyền, chúng tôi cho họ một bộ đồ, vài ký gạo và 10 đô la. Món quà này không bao nhiêu, nhưng với họ, vô cùng cảm động, vô cùng trân quý, đôi khi với cả nước mắt trên những gương mặt bị thời gian tàn phá… Họ không cần biết chúng tôi là ai, chỉ biết đó là những món quà nhỏ của những người lính không quên họ.

Việc này, chúng tôi đã tiến hành mấy tháng nay, và còn đang tiếp tục. Trong tương lai, khi có được danh sách những anh em phế binh không hồ sơ cung cấp được tên, số quân, đơn vị, khóa, đơn vị trưởng hiện ở nước ngoài… Chúng tôi sẽ post lên net, nhắn tin các đơn vị trưởng xem họ có giúp được các người lính cũ của mình hay không. Hoặc giả, chúng tôi sẽ vận động các tổ chức giúp thương phế binh tiếp tay giải quyết giùm vấn đề. Còn không chúng tôi vẫn tiếp tục những giúp đở nhỏ giọt giúp anh em tùy theo số tiền chúng tôi kiếm được. Đợt gửi tiền tháng 6/08 đã chuyển, công tác tiến hành bình thường…

Hiện nay, tại Cali, các chương trình gây quỷ cho Thương Phế Binh đang được tổ chức rầm rộ, nhưng có lẽ ít ai nghĩ đến hàng vạn những phế binh không hồ sơ tiếp tục cuộc đời bất hạnh của mình trong bóng đêm oan nghiệt ở Huế, ở Sài Gòn, ở các tỉnh miền Nam…

Ngày 3 tháng 8 năm nay, một đại nhạc hội có tên “Cám ơn anh! Người Thương Binh Việt Nam Cộng Hoà” sẽ được tổ chức tại Cali, và tôi cũng nhớ lời cô khoa học gia Dương Nguyệt Ánh đã từng phát biểu: “Chúng ta nợ thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà, giờ là lúc chúng ta phải trả nợ!”

Chúng tôi không biết chủ đề nhạc hội và câu tuyên bố thâm tình của Dương Nguyệt Ánh có đến “những người thương binh không hồ sơ” hay không?

Hải Triều
Nhóm Nhà Văn Quân Đội
604 879 1179

08-2008

No comments:

Post a Comment