Wednesday, January 12, 2011

Nghĩa Tử - Nghĩa Tận -Trần Trọng Nghĩa

Nghĩa Tử - Nghĩa Tận
Trần Trọng Nghĩa, Việt Tân, 26/01/2007

JPEG - 52.3 kb
Cổng Tam Quan Đền Tử Sỹ, Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa
Theo tục lệ của dân tộc ta thì hàng năm có ngày lễ Thanh Minh vào đầu tháng Ba âm lịch. Đây là ngày đặc biệt để các gia đình đi tảo mộ ông bà, cha mẹ và người thân trong gia đình. Dịp này, người ta tới mộ phần người thân để khai quang, nhổ cỏ, đắp đất, quét dọn, thắp hương, cúng vái. Nhưng, thực ra, không phải chỉ vào dịp Thanh Minh trong tiết tháng Ba, người Việt Nam mới đi tảo mộ. Trước Tết Nguyên Đán hàng năm, cũng có tập tục đi viếng và quét dọn mồ mả tiền nhân trước khi trang hoàng nhà cửa đón Tết. Gia đình Việt Nam không chỉ bao gồm những thế hệ còn sống, mà còn bao gồm cả những thế hệ đã khuất. Nếu hiểu chữ "NGHĨA" là sợi giây gắn liền con người với nhau thì sợi dây vô hình này nó cột chặt hai cõi âm dương.

Nhưng vì hoàn cảnh đất nước ta sau nhiều năm nội chiến, nhiều người Việt Nam đã không thể lám cái việc thể hiện tấm lòng mình đối với người đã khuất là đến tảo mộ người thân trong những ngày giáp Tết. Còn nhớ, ngay sau khi thôn tính Miền Nam, cộng sản đã bắt di dời mồ mả của thường dân và của quân đội VNCH. Mộ phần của những gia đình không có mặt đã bị họ đào sới, san bằng. Cứ tưởng "nghĩa tử là nghĩa tận", mồ mả là nơi an nghỉ cuối cùng và vĩnh viễn sẽ không bị ai xúc phạm. Hành động này của bạo quyền cộng sản là một hành động tồi bại, mất tính người, phản luân thường đạo lý, phản truyền thống dân tộc. Theo báo điện tử VietNamNet thì vào thời điểm năm 1980 là năm CSVN quyết định di dời các nghĩa trang trong vùng Sài Gòn, có đến hàng trăm ngàn ngôi mộ chôn ở các nghĩa trang chính như nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, rộng 7,5 hecta ngay trung tâm Sài Gòn; nghĩa trang Đô Thành, còn gọi là nghĩa trang Chí Hòa, trên đường Lê Văn Duyệt, rộng 25 hecta; nghĩa trang quân đội Gò Vấp; nghĩa trang Bình Thới, rộng 30 hecta; nghĩa trang Phú Thọ khoảng 40 hecta; và nghĩa trang quân đội Pháp ở gần ngã tư Bẩy Hiền. Tất cả những nghĩa trang này với hàng trăm ngàn ngôi mộ đã bị đào sới, di dời và san bằng, không còn vết tích gì là nghĩa trang nữa. Nhưng khu nghĩa trang mà không ai là không nhớ tới là Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.
JPEG - 46.9 kb
Trước năm 1975, Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoa là nơi an táng hơn 16.000 tử sĩ VNCH
Trong chiến tranh, quân cộng sản thường lợi dụng các nghĩa trang là nơi thiêng liêng mà người quốc gia tôn trọng như cấm địa, để làm nơi chôn dấu vũ khí và ẩn náu của cán bộ. Khi chiếm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, quân đội cộng sản lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử và nghĩ rằng quân lực VNCH cũng có những kho tàng bí mật tại đây để đánh lại họ. Vì thế họ đã phòng thủ cẩn mật không cho ai ra vào. Họ làm như hơn 10 ngàn tử sĩ an táng nơi đây có thể sống dậy phản công lại họ. Vì thế, những nơi nào đáng nghi ngờ, họ đã đào sới, cày ủi. Các phần còn lại họ bỏ mặc cho hoang tàn đổ nát. Những hình ảnh và bài viết về cảnh hoang phế này đã được nhiều người ghi lại từ 32 năm qua, trong đó có cả ký giả ngoại quốc như ông Brennon Jones của báo International Herald Tribune.
Gần đây, ngày 27/11/2006, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng chính phủ CSVN đã âm thầm ra quyết định số 1568/QĐ-TTg giao khu nghĩa trang này cho tỉnh Bình Dương. Điều 1 của quyết định này viết: "Đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 ha đất khu nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Quân khu 7, Bộ Quốc phòng quản lý sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương". Tuy rằng ở mục 2, điều 2 có nói là tỉnh Bình Dương chỉ đạo quản lý khu nghĩa địa Bình An bình thường như các nghĩa địa khác, nhưng điều 1 nói rõ là chuyển giao 58 hecta đất của khu nghĩa trang để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương. Cũng nên biết là trước năm 1975 tại đây an táng hơn 16.000 tử sĩ VNCH. Sau 1975, một số gia đình lo sợ CSVN sẽ tàn phá nghĩa trang nên có khoảng 8.000 ngôi một đã được thân nhân cải táng đi chỗ khác. Với điều khoản này, không ai cấm tỉnh Bình Dương sẽ gom trên dưới 8000 ngôi mộ này lại một góc hoặc di dời đi một chỗ khác để lấy đất làm sân golf hay xây cất hãng xưởng, xóa đi vĩnh viễn vết tích của Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa. Đối với người sống mà chính quyền cộng sản còn cướp nhà, cướp đất của họ một cách trắng trợn thì đối với những người đã nằm xuống, họ nể gì mà không cướp ? Cần phải báo động dư luận trong nước và quốc tế về nguy cơ này.
JPEG - 15.7 kb
Nhân ngày đầu năm mới, những nhà đấu tranh dân chủ trong nước đã cùng hẹn nhau tại Sài gòn, làm chuyến hành hương thăm mộ cho những người đã ngã xuống trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn, và cùng thắp nén hương cho những con người bất hạnh cả hai bờ chiến tuyến.
26/01/2007
-
Sau khi có quyết định 1568/QĐ-TTg, một số người cho rằng đây là một bước "đổi mới", có người cho là "quyết định khôn khéo", Có người còn cho là thái độ "hòa giải"… Chẳng có gì là đổi mới, chẳng có gì là khôn khéo, cũng chẳng có gì là hòa giải cả. CSVN vẫn là CSVN. Tên cộng sản này trao Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa cho tên cộng sản khác. Quân sự hóa hay dân sự hóa thì cũng là trong tay CSVN. Những người nằm dưới các nấm mồ ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa vẫn không yên giấc ngàn thu. Tết Đinh Hợi sắp đến, xin hãy cùng nhau thắp lên một nén nhang thơm cho những anh hùng tử sĩ đã bỏ mình nơi chiến địa và hứa với họ quyết tâm bảo vệ nơi an nghỉ ngàn thu của họ.

Trần Trọng Nghĩa

No comments:

Post a Comment